Saturday, November 26, 2016

TƯỞNG NIỆM CỐ GIÁO SƯ NGUYỄN THANH LIÊM NHÂN LỄ BÁCH NHẬT CỐ GIÁO SƯ NGÀY 20 THÁNG 11, 2016

TƯỞNG NIỆM CỐ GIÁO SƯ NGUYỄN THANH LIÊM NHÂN LỄ BÁCH NHẬT CỐ GIÁO SƯ NGÀY 20 THÁNG 11, 2016




 Ngày 20 tháng 11, 2016: Lễ Bách Nhật (lễ cúng 100 ngày sau ngày mất) 
theo l cúng tế của Phật tử tu tại nhà




Ảnh Vương Huê

​Santa Ana -20/11/2016- Một Ban tổ chức gồm hội viên Hội Lê Văn Duyệt Foundation và một số khác thuộc Gia Đình Nguyễn Thanh Liêm tổ chức tưởng niệm Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm (1933-2016) nhân lễ Bách Nhật của Giáo Sư hôm nay tại tư gia của Giáo sư ở thành phố Santa Ana. Lễ Bách Nhật hay lễ cúng ngày thứ 100 sau ngày mất của Giáo sư theo nghi thức đơn giản của Phật tử tu tại nhà. 

Sau đây là bài viết của ông Châu Văn Để ghi lại diễn tiến của buổi Lễ:

[Lễ 100 Ngày của Thầy Nguyễn Thanh Liêm
tại Lake Park 4211 W. First St #166 Santa Ana, CA 92703 lúc 11 giờ ngày Chủ Nhựt 20 tháng 11 năm 2016.
(nhằm 21 tháng 10 Bính Thân)



Các Giáo sư đồng nghiệp, đồng môn, cũng là bạn thân thiết của cố Gs. Nguyễn Thanh Liêm

Thành phần khách tham dự gồm các vị giáo sư cũng là đồng nghiệp, đồng môn thường xuyên cộng tác với Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm trên lãnh vực giáo dục từ thời VNCH cho đến miền Nam California sau 1975. Đặc biệt là gia đình của Cô Phương gồm Mẹ và các chị em, gồm cả gia đình của người em từ Arizona.

- Sau nghi lễ trước bàn thờ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt do ô Châu Văn Đễ và cố vấn Vũ Ngọc Mai niệm hương là Lễ 100 Ngày của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm.

- Bà Nguyễn Thanh Liêm khuê danh Nguyễn Thị Phương và nghĩa nữ Cao Minh Châu, nghĩa nữ Vũ Thị Đan niệm hương và dâng cúng. 
- Gia đình gồm Mẹ và các em của cô Phương niệm hương. 
- Các thành viên “Gia đình Nguyễn Thanh Liêm” và hội Lê Văn Duyệt niệm hương. Các thân hữu và quan khách niệm hương. 
- Trung Tâm Trưởng Bùi Đẹp và Trung Tâm Phó Nguyễn Thành Điểu, Trung Tâm Điều Hợp Tây Nam Hoa Kỳ/Tập Thể Chiến Sĩ VNCH HN, và ông Bùi Phát, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Nam California cùng phu nhơn niệm hương.
-  Cảm tưởng của Giáo sư Dương Ngọc Sum thay mặt cho nhóm Petrus Ký nói về kỷ niệm đối với Gs Nguyễn Thanh Liêm và hai người con Thùy Linh và Bảo Lâm lúc còn trẻ thơ của Gs Nguyễn Thanh Liêm
-  Cảm tưởng của giáo sư Trần Huy Bích
-  Cảm tưởng của giáo sư Nguyễn Trung Quân nói về nhân sinh quan và nếp sống thanh bạch của Gs Nguyễn Thanh Liêm, những kỷ niệm khi đi làm Chánh Chủ Khảo ở Tỉnh Châu Đốc và thuật lãnh đạo chỉ huy khéo léo của Gs Nguyễn Thanh Liêm thuở ấy là Chánh Thanh Tra và Trưởng Ban Soạn Đề Thi tại Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên. Gs. Nguyễn Trung Quân cũng nêu lên bài thơ của một nhà nho ẩn danh Gs. Nguyễn Thanh Liêm cho in trong sách "Sự Thật Đời Tôi". Bài thơ như sau:
"Tích ngã vị sinh thì
Minh minh vô sở tri.
Thiên công hốt sinh ngã,
Sinh ngã phụ hà vị?
Vô y sử ngã hàn, 
Vô phạn sử ngã cơ. 
Hàn nhỉ thiên sinh ngã,
Hoàn ngã vị sinh thì."
(Ngày xưa, trước khi tôi bị sinh ra đời, Mịt mù đen tối tôi nào biết chi đâu. Bỗng nhiên Trời sinh tôi ra trên đời này, Trời sinh tôi ra để làm chi? Không quần áo khiến tôi phải lạnh, Không cơm ăn khiến tôi phải đói. Tôi xin trả lại cho ông Trời cái việc Trời sinh ra tôi, Và xin Trời hãy trả lại cho tôi cái trạng thái lúc tôi chưa sinh ra đời)
Bài thơ nói lên sự vô nghĩa của cuộc đời này.
-  Cảm tưởng của Giáo Sư Vũ Ngọc Mai, cố vấn Hội Lê Văn Duyệt Foundation.
-  Cảm tưởng của Giáo sư Tiến Sĩ Võ Kim Sơn, một cựu học sinh Petrus Ký, đặc biệt khi nhận di huấn của giáo sư Nguyễn Thanh Liêm trước khi qua đời tại bịnh viện Kaiser ủy thác cho Cô Sơn tham dự phiên họp về Văn Hóa Việt Nam Cộng Hòa cùng nhóm Viện Đại Học Cornell.
-   Tiến Sĩ Nguyễn Kim Long nói về những kỹ niệm làm việc chung với Giáo Sư Liêm trong lãnh vực Giáo Dục tại Hoa Kỳ. 
-   Cảm tưởng của một cựu học sinh Petrus Ký Trần Vĩnh Trung
-   Cảm tưởng của Hội Trưởng Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ Cao Minh Hưng.
-   Cảm tưởng của nghĩa nữ Vũ Thị Đan
-   Cảm tưởng của nghĩa nữ Cao Minh Châu
-   Lời cảm tạ của Cô Nguyễn Thị Phương.
-   Ông Châu Văn Đễ cho biết ngày 20 tháng 11 cũng là Sinh Nhựt của Thầy Liêm.

Quý thân hữu, thành viên hàn huyên tâm sự, nhắc nhớ những kỷ niệm xưa trong khi ngoài trời mưa thu lạnh lẽo thật là một ngày lễ đơn sơ đầy ấp tình thân và đầy ý nghĩa.
Cám ơn Bùi Đẹp, Thành Điểu, Minh Phúc và các “em rể” của Cô Phương giúp sắp xếp và dọn dẹp bàn ghế.
Không thể quên các đóng góp công sức và thức ăn của quý Bà quý Cô đặc biệt của niên trưởng Nguyễn Quang Bâng, của phóng viên Vương Huê.
Cám ơn Anh Phạm Văn Tú làm MC và Minh Phúc thiết kế âm thanh.
Hai “chấp sự giả” tiếp hương tại bàn thờ Đức Tả Quân và tại bàn thờ Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là Trần Vĩnh Trung và Chị Kimmy Phạm Văn Tú.
Buổi lễ chấm dứt lúc 15 giờ cùng ngày.]




Các vị giáo sư thân hữu của vị Chủ tịch quá cố của LVDF - Vị phụ nữ áo trắng là bà Quả phụ Cố Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - Khuê danh Nguyễn Thị Phương

Cũng xin nói thêm, hội Lăng Ông Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation được gọi tắt "Lê Văn Duyệt Foundation" do chủ trương của cố Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Sáng lập cùng các Hội viên sáng lập thiết lập nơi thờ phụng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764-1832). Ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt một nhân vật lịch sử ở vào thời kỳ đầu triều Nguyễn, có công lớn với đất nước trong công cuộc mở mang và đem lại sự thịnh vượng và an ninh cho Nam Kỳ hay vùng Đồng Nai Cửu Long tương đương phần lãnh thổ của Nam Phần Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hoà. Đặc biệt sự cai trị dưới quyền của Ngài có tiếng nghiêm khắc về nội trị (home administration) và quan tham không có chỗ đứng trong guồng máy cai trị của Ngài, về giao thiệp với lân bang Ngài tỏ ra sáng suốt và mở cửa tự do tạo mối giao thương đôi bên cùng có lợi với thương khách. Về tôn giáo Ngài không chủ trương kỳ thị một tôn giáo nào, đặc biệt thời kỳ đó chính quyền trung ương (triều vua Minh Mạng) ban hành lệnh cấm chỉ đạo Thiên Chúa du nhập từ Tây Âu.


Cựu Đốc sự Châu Văn Đễ, Quyền Hội Trưởng, và cựu Giáo sư Vũ Ngọc Mai, Cố Vấn Hội 

Nếu không vì một định kiến về kiến thức nhất định phải uyên bác của một nhà chính trị hay một nhà khoa bảng thời đại, Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, tiêu biểu của sự lấy quyền lợi của dân làm nền tảng cho chính sách cai trị đối với đồng bào của mình. Khi tư tưởng tân tiến của nhà triết học người Anh John Locke (1632-1704) xuất hiện trên thế giới và người ta gọi ông là "Cha Đẻ của Chủ Nghĩa Tự Do/ Father of Classical Liberalism" thì đứa bé Lê Văn Duyệt chưa chào đời ở Mỹ Tho. Tuy nhiên nhà chính trị quốc gia Lê Văn Duyệt của nhà nước Đại Nam ở thế kỷ 19 đã biết an dân trong "kinh bang tế thế". Tuy quan niệm đương thời "trọng văn khinh võ" nhưng đối với Trấn Thành Gia Đình dưới quyền cai trị của Khâm Sai Tả Quân Lê Văn Duyệt đối với chính sách trị dân, Ngài được Quan Kinh Lược Sứ, Tiến sĩ Phan Thanh Giản đương thời ngưỡng mộ! 

Chính sách cai trị của Ngài Tả Quân theo một phương cách có phần trùng hợp với Chủ Nghĩa Tự Do của John Locke. Chính sách cai trị công minh của Ngài không hề tạo tiền lệ cho sự hà khắc phát triển đối với người dân "thấp cổ bé miệng" để chỉ dồn quyền lợi phục vụ cho giai cấp thống trị, tạo hố cách biệt giữa dân và vua quan tham ô ngày xưa hay lãnh tụ và cán bộ đảng viên Cộng sản tham ác ngày nay. 

Đó là một trong những lý do tâm đắc của vị Chủ tịch Sáng lập Lăng Ông Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation.




Bà Quả Phụ Nguyễn Thanh Liêm, bên cạnh là hai dưỡng nữ của cố Gs. Nguyễn Thanh Liêm


Hội Lăng Ông Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation được thành lập như trên đã nêu cùng với Tập San Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai Cửu Long (2004) đã đem đến cho đồng hương như sống lại một thời tuổi trẻ cho những ai đã từng một lần ghé qua Gia Định vào một buổi chiều tan trường. Ôi các tà áo dài trắng của những nữ sinh má ửng môi hồng vội vàng rời cổng Trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt như những đàn chim bay trắng trời trên lưng chừng bầu không khí áp thấp để được hít thở không khí tự do của bầu trời bao la với một nỗi lo trong lòng của từng hoàn cảnh không thể nói được! Một hướng khác những người lính với mũ, áo kaki khác nhau của nhiều quân binh chủng QLVNCH tất bật vô cùng cho thấy các em gái hậu phương của những người lính vội vàng như thế đó đang sống trong sự lo âu của chiến tranh.

Người viết bất giác nhớ lại trên đồi cao Rừng Thiêng heo hút, anh đã quên mùa Thu Paris, có những chiều nắng vàng loang lổ trong không gian vườn Luxembourg của Paris 6ème. Đó đây ở một góc tường cũ kĩ phủ dầy rong rêu, chen lẫn những cành hoa Antigone với những cánh hoa tím hình đặc biệt, "dáng như tim vỡ", và lá cũng hình tim, một cành hoa trắng mọc kề bên, cả hai sắc màu nhung nhớ ấy mà sau này được biết thế giới của tình yêu gọi đó là "Hai sắc hoa Ti-gôn".

Chàng thư sinh sau này là lính trận lang bạt ở tận miền quê em... Ở đầu đời học trò có cái ngu không biết đó là bóng dáng của tình yêu em và trong hạnh phúc anh. Cuộc đời của người línhts lúc ấy còn quá trẻ khi lao vào cuộc chiến, và chàng không là của riêng em mà của cát nâu bụi hồng và thân phận của mù sương tuyết giá người đi. Ngày Thu ở Rừng Thiêng Buôn Hạ sau khi rời khỏi Biển Cả chẳng biết ai là "em chỉ là em gái thôi, người em sầu mộng của muôn đời...", tài sản của riêng thi sĩ Lưu Trọng Lư mà! Ở Hà Nội lúc còn thời thượng được ngưỡng mộ là "Ba Mươi Sáu Phố Phường". Sau này chàng biết được đó là đường vào Văn học sử Việt Nam... Chàng cũng chưa hề có được hạnh phúc bên em với "mộng chồng cao ngất" quá đỗi như An Lộc Sơn tạo binh biến để tìm cho được người yêu Dương Quý Phi. Nhưng trái đất tròn mà! Thế gian này chưa cảm nhận được sự thương đau của những người trẻ mất nhau trong cuộc chiến do những người vô tâm gây ra cho người dân Miền Nam. Ngày ấy qua đi...(nlts)

Thế rồi vào một giờ khắc trời quang mây tạnh chàng nghe qua "Một Người Đi" ít nhất một lần trên tần số trung chuyển tại Headquarters của Taskforce chẳng có tác dụng gì đối với tim óc của chàng thuở đó.
Thật lâu sau này và giờ phút này người viết bất giác nhớ đến tác giả Mai Châu của Hoàng Oanh với "Một Người Đi" ấy, mà người con gái lọ lem năm xưa còn sống sót qua cơn bão lửa từ trận địa pháo Đỏ ở Liên Tỉnh Lộ 7B trên đường vượt thoát Cao Nguyên di tản tháng 3/75 đã nhắn nhủ với chàng:


🎼"Chinh nhân ơi! Xin anh chớ buồn! 
Chinh nhân ơi! Xin anh chớ buồn! 

Người yêu anh còn đó - người yêu anh bé nhỏ... hứa thương ...anh trọn đời!
Người yêu anh còn đó - người yêu anh bé nhỏ... hứa thương ...anh trọn đời!
Em thấy dáng anh gầy đôi mắt thoáng xa xăm
Vì ngàn yêu thương anh xếp bút mực xanh
Băng mình vào sương gió sống trọn kiếp trai lành
🎵
Chinh nhân ơi! Khi anh trở về 
Chinh nhân ơi! Khi anh trở về

Người yêu ra mừng đón - người yêu anh bé nhỏ sẽ thương anh trọn đời!"
Người yêu ra mừng đón - người yêu anh bé nhỏ sẽ thương anh trọn đời!"

"Nguyễn Thanh Liêm Tuyển Tập", rồi "Sự Thật Đời Tôi"... của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là những tác phẩm nói về sự sống và tranh đấu để sinh tồn theo "nhân sinh quan" của Giáo sư thật đáng ngưỡng mộ. Tâm trạng của tác giả là nỗi đau của người mất nước. Văn phong của tác giả bình dị như xe lăn trên một đoạn đường thẳng tắp...
Bất giác người viết nhớ đến một cuối đường không có quán trọ nhưng có vườn hoa nhà em phủ kín thơ văn cho lính trọ lỡ đường ngắm hoa nghỉ chân. Rồi anh rời quê hương mang theo hình bóng em qua thơ văn đầy hương hoa, gỡ ra từng mũi kim cỏ bông may ghim trên cổ áo trận, dấu tích của sự lấy cỏ làm nệm, lấy sương trời làm mền, lấy hình bóng em làm nỗi nhớ khôn nguôi và tình yêu đất nước làm lẽ chiến đấu... Những ngày ấy qua đi rồi...(nlts)



Lăng Ông Bà Chiểu Gia Định

"Lăng Ông Bà Chiểu" trong tín ngưỡng dân gian của người dân Việt Nam theo truyền thống thờ cúng Tổ Tiên được cảm nhận tại nơi tạm dùng làm nơi thờ tự này, và các Vị Anh Hùng Tử Sĩ đã xả thân với đất nước và trung hiếu với dân tộc được gọi chung là đạo Ông Bà, phần nhiều phát triển tại Đồng Nai Cửu Long là tên gọi dân gian để chỉ lưu vực sông Đồng Nai ở Miền Đông và vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Miền Tây Nam Phần Việt Nam. 

Trong tâm khảm của vị Giáo sư nặng tình với quê hương, tha thiết với miền sông nước trù phú Đồng Nai Cửu Long vẫn luôn thôi thúc đem những học hỏi ở các bậc tiền bối, các danh sư từng thời đại hiện diện tại những khuôn thước lộng lẫy trong văn học sử Đông Tây làm lợi ích cho tuổi trẻ Việt Nam, làm viên đá lót đường tiếp nối từ thế hệ tiền bối đến thế hệ kế thừa trong ý niệm "Việt Sĩ Minh Tâm Văn Hoá Thịnh - Nam Nhân Thiện Trí Quốc Gia Hưng".


Di quan trưa ngày 4 tháng 9

Một trăm ngày đã qua đối với một tang lễ có thể nói là trọng đại mà BTC muốn làm sao cho xứng đáng với vị Giáo sư khả kính có đầy sự kính mến và tiếc thương của biết bao đồng nghiệp, đồng môn, và học trò, những người quan tâm và thân hữu ngoài ngành Giáo dục. Cũng không thể không kể đến sự gắn bó của những chiến hữu đồng hành với những người dân yêu chuộng tự do dân chủ trong nước trong sự nghiệp toàn dân đấu tranh cho một Việt Nam không còn cộng sản


Bàn thờ cố Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm
pháp danh Quảng Trí Thanh

Những phút cuối tiễn biệt "Người Chiến Sĩ Quốc Gia Nguyễn Thanh Liêm", ngoài Tang Quyến là thành phần gần gũi nhất đã chịu đựng sự đau đớn nhất của sự mất mát người thân, "Gia Đình Nguyễn Thanh Liêm" cũng gồm những người cộng sự thân mến nhất. Còn có rất nhiều tổ chức, hội đoàn, đoàn thể và cá nhân thương tiếc vị Giáo sư quá cố lưu lại lần cuối và chứng kiến sự sinh ly tử biệt như muốn giữ mãi một hình ảnh của người thân yêu trong đau buồn này không bị xoá mờ với thời gian xa vắng.

Đây đó người ta cảm nhận được sự biểu hiện lý tưởng "Tôn Sư Trọng Đạo" và tinh thần "Nhân Bản" của nhiều thế hệ người Việt Nam biết tôn trọng những giá trị từ di sản của tiền nhân. Họ biết gìn giữ và trao truyền cho đời sau, đặc biệt biết chọn lọc và dung bồi thêm những kiến thức Đông và Tây từ nền Giáo Dục Quốc Gia Việt Nam (1958-1975) của người dân Miền Nam tự do.

Lúc 1 giờ 35 phút chiều ngày 4 tháng 9 năm 2016 tại phòng hoả thiêu nhà quàn Peek Funeral Home, Westminster Memorial Park, Westminster, S. California là những giây phút tiễn biệt. "Người" đã ra đi, bỏ lại gia đình thân yêu, đồng nghiệp, đồng môn, học trò thương mến! Những ngày cuối thật bịn rịn, nhiều việc còn dang d, xuôi tay nhắm mắt! Nay Người đang đi trên một chuyến đò âm dương, một lần đi không quay lại, giờ này hạn cuối đò cập bến.

"... Cuộc chiến vẫn chưa tàn
Đành bỏ đi thật sao
Con chữ Thầy nhắn nhủ
Một Việt Nam Tự Do..."
                               ("Mới Đó Thôi Thầy Ơi", Phi Loan HTCM)

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã vĩnh biệt chúng ta ... thật rồi!

Những chiếc lá vàng dần rơi, lần lượt theo mùa Thu trôi, những mùa Thu của đất trời qua đi, cuộc đời vốn vô thường mà! Tất cả hư ảo sẽ mất hết chỉ còn lại Tình Yêu, là giềng mối không bứt rời giữa con người, gia đình, đất nước, và cuối cùng sẽ trở về với thiên nhiên... nlts


Lễ Thu Cờ ...

Lá quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hoà nay là di sản và là biểu tượng Tự Do của người Việt tị nạn cộng sản đang được phủ lên quan tài của "người chiến sĩ quốc gia Nguyễn Thanh Liêm". Tinh thần Nguyễn Thanh Liêm được biểu hiện trên sự gắn bó với biểu tượng của quốc gia dân tộc: Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và thể chế Việt Nam Cộng Hoà mà những người chiến sĩ, những đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí của Giáo sư từ trước cho đến ngày hôm nay là chứng nhân của lịch sử, họ đang làm điều gì cho dân tộc Việt Nam và lịch sử phải được tôn trọng.

Và người Việt tị nạn chúng ta cũng đã mất đi một nhà tranh đấu bảo vệ lập trường quốc gia dân tộc, và cộng đồng người Việt tị nạn mất đi một bạn đồng hành từng gắn bó trong công cuộc đấu tranh vì Tự do, Dân chủ, Nhân quyền cho Việt Nam.
Khi lá quốc kỳ phủ quan tài người chiến sĩ nằm xuống cuối cùng được trao tận tay người cô phụ.





... và trao cho gia đình người Chiến sĩ Quốc gia

Và khi Bà quả phụ Nguyễn Thanh Liêm tức Nguyễn Thị Phương trao lại lá cờ đã thu cho người con trai Nguyễn Thanh Bửu Lâm, hậu duệ của người chiến sĩ quốc gia Nguyễn Thanh Liêm, những người chung quanh không còn nước mắt để khóc...! 


Lá Cờ Quốc Gia được trao cho hậu duệ Nguyễn Thanh Bửu Lâm

Hình ảnh đó như một lời nhắn nhủ hãy tiếp tay để làm được một điều gì cho dân tôi khốn khổ trong nước khi chế độ cộng sản vẫn còn ngự trị trên quê hương Việt Nam để biến đau thương này thành hành động thiết thực! 

Đó là "TINH THẦN NGUYỄN THANH LIÊM"



​Photo link: Lễ Bách Nhật Cố Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm​


Kính chúc quý vị, quý bạn được bình an trong tâm hồn.

Hoàng Thuỵ Văn

H. Vuong

No comments:

Post a Comment