VỀ TÁC PHẨM "NGUYỄN THANH LIÊM TUYỂN TẬP"
Bià sách "Nguyễn Thanh Liêm
Tuyển Tập" 2015
Lê Văn Duyệt Foundation và Nhóm Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng
Nai Cửu Long xin giới thiệu tác phẩm vừa được ấn hành nêu trên. Giá ủng hộ
25 Mỹ kim. Dưới đây là địa
chỉ của trụ sở Hội Lê Văn Duyệt Foundation, muốn liên lạc để đặt
mua sách xin gọi điện thoại Nguyễn Quang Bâng: (714) 688-6075, (714) 867-6109 (trong giờ làm
việc), Nguyễn Thị Phương: (714) 837-5850, hoặc qua email: <phuongnamrx68@gmail.com>.
C
|
ả trăm bài viết của Giáo
sư Nguyễn Thanh Liêm đã được gửi đến người đọc bấy lâu, nay được tác giả cập
nhật và được Lê Văn Duyệt Foundation tập trung lại, trình bày và in thành sách.
Quyển sách dầy 600 trang, trải rộng trên bảy lĩnh vực biên khảo: Thứ nhất về
dân trí và văn học nghệ thuật phải được trui rèn từ Giáo Dục nhân bản. Về di
sản dân tộc, đất nước có nền Văn Hoá của bốn ngàn năm văn hiến.
Về quê hương nỗi nhớ, đất nước còn có Đồng Nai Cửu Long giàu đẹp. Trong
nguồn tín ngưỡng đại chúng người dân đã quen với các Tôn Giáo lâu đời. Bổn
phận giữ vững quan điểm lập trường của quốc gia càng được vững vàng càng giúp
nền Chính
Trị được thi hành đúng đắn. Trong khi sự học là nguyên khí quốc gia
trong đó Danh Nhân bao gồm các nhân tài lỗi lạc của đất nước. Và Thơ
Văn là yếu tố nhân quả của văn chương, là đời sống tinh thần của dân
tộc trong đó có nỗi đau và niềm thương chồng chất không thể thiếu đối với một
phận người, và một vận nước...
Đó là tập
sách Nguyễn
Thanh Liêm Tuyển Tập mà Ban Biên Tập Đồng Nai Cửu Long (ĐNCL) muốn giới
thiệu với các bạn trẻ Việt Nam ngày nay ở hải ngoại mà sự học trời Tây đã mở
mang kiến thức nhưng vẫn luôn canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê hương với hoài bão
làm được điều gì tốt đẹp cho quê cha đất tổ. Đó là điều mà tác giả Giáo sư
Nguyễn Thanh Liêm luôn tưởng nghĩ và muốn nhắn nhủ các bạn trẻ không quên cội
nguồn dân tộc và sự nghiệp của tổ tiên.
"... Cộng
Sản có thể xoá bỏ một nền văn hoá cổ truyền để thay thế bằng một nền văn hoá
Cộng Sản. Bằng ép buộc, bằng kìm kẹp, bằng sức mạnh người ta có thể cải đổi,
uốn nắn một nền văn hoá theo ý muốn của mình. Bậc thang giá trị (value system)
có thể bị xáo trộn, bị đảo lộn, bị quan niệm lại một cách khác hơn. Những trẻ
em sinh ra và lớn lên trong xã hội Cộng Sản, được xã hội hoá trong xã hội Cộng
Sản, chỉ biết bậc thang giá trị Cộng Sản, mang căn cước Cộng Sản, sẽ khó chấp
nhận những ý kiến, tư tưởng ngoài thế giới Cộng Sản..."
Đó
là ý kiến của tác giả khi nêu quan điểm của mình về văn hoá, giáo dục trong bài "Quan Điểm Nguyễn Thanh Liêm" ở
phần Giáo Dục. Tác giả nêu tên gọi Cộng Sản là nói thẳng ra chế độ cộng sản Hà
Nội, những người đang cầm quyền tại Việt Nam, 60 năm ở Miền Bắc và 40 năm ở
Miền Nam chứ không nói chung cộng sản. Miền Bắc hay Miền Nam là những tên gọi
thông dụng của hai quốc gia khác nhau theo chính trị - địa lý.
Trong tâm khảm của vị Giáo sư nặng tình với quê hương, tha
thiết với miền sông nước trù phú Đồng Nai Cửu Long vẫn luôn thôi
thúc đem những học hỏi ở các bậc tiền bối, các danh sư từng
thời đại hiện diện tại những khuôn thước lộng lẫy trong văn
học sử Đông Tây làm lợi ích cho tuổi trẻ Việt Nam, làm
viên đá lót đường tiếp nối từ thế hệ tiền bối đến thế hệ kế
thừa trong ý niệm "Việt
Sĩ Minh Tâm Văn Hoá Thịnh - Nam Nhân Thiện Trí Quốc Gia Hưng".
"Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo hơn bao giờ hết cần phải
được phục hồi. Truyền thống tốt đẹp đã có, cần được chấn hưng để những thế hệ
sau nầy còn có cơ hội xây dựng lại tinh
thần Nhân Bản, Dân Tộc, Khai Phóng rất
cần cho việc hiện đại hóa và phát triển quốc gia trong những thập niên
tới." Trích
đoạn từ một bài diễn văn của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm nhân Ngày Tôn Sư Trọng Đạo.
Về mặt văn hoá nhân bản,
Giáo sư rất cân nhắc cho lời nhận xét trong bài "Linh Hồn Của Dân Tộc Hiểu Theo Ý Nghĩa Văn Hoá":
"Đây
là nền văn hoá tôn trọng con người, tôn trọng giá trị linh thiêng của con
người. Con người không phải chỉ là một con vật như bao nhiêu những sinh vật
khác chỉ sống bằng bản năng. Con người không phải là một vật vô tri. Con người
có ý thức, có tư tưởng, có tình cảm, có suy tư, có ước mơ, có quyền tìm kiếm,
thực hiện hạnh phúc ở đời. Nhân phẩm, nhân quyền được công nhận, được tôn trọng."
Bán đảo Ấn Trung, cách gọi khác theo chính trị
- địa lý là Đông Dương, mà Việt Nam là một phần quan trọng của nơi đây, nơi có
sự giao tiếp của hai nền văn hoá Ấn Độ ở phía Tây và văn hoá Trung Hoa ở phía
Bắc. Một trong những nét văn hoá đặc thù của người dân miền Nam ở vùng Đồng Nai
và đồng bằng sông Cửu Long là ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ đậm nét hơn và lại ít đậm
màu hơn đối với văn hoá Trung Hoa. Cùng những tổng hợp từ những sắc thái văn
hoá dễ chấp nhận trong 400 năm sinh sống và chiến đấu để tự vệ và phát triển.
Trên phần đất mới ở phương Nam của những con người tị nạn chính trị buổi đầu
vào thời đó kể khi từ nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng tìm cách vượt thoát cái
chết gần kề trong cuộc tranh đoạt quyền lực và sự thu tóm quyền lợi của họ
Trịnh cầm quyền Phủ Chúa trong khi vua Lê hư vị. Đó là chế độ 'Đàng Ngoài'
trong cuộc
nội chiến phân tranh sau này. Tiếp theo sự kiện chính
trị ẩn tích bên cạnh nhà cầm quyền Thăng Long cùng cuộc di dân nối tiếp đã có
sự tiếp xúc với một nền văn hoá mới có sắc thái văn hoá Ấn Độ. Chính sự giao
tiếp của hai nguồn văn hoá đã cho vùng đất phương Nam của quốc gia một mối
tương quan chủng tộc chung sống khá hoà bình. Nơi đây tạo nên một sắc
thái văn hoá đa dạng không bị ảnh hưởng sâu đậm từ
một sắc thái văn hoá nào mà nhạt dần rồi nhạt
dần trở thành một sắc thái văn hoá đặc thù của vùng Đồng Nai Cửu Long. Phải
chăng đó là Văn hoá Ốc Eo, di chỉ định vị tại núi Ba Thê, tỉnh An Giang như nhà
khảo cổ Louis Malleret mô tả vào thập niên 20 thế kỷ trước (?) Giáo sư Nguyễn
Thanh Liêm đã ghi lại đầy đủ ý kiến xác thực của mình trong bài "Linh Hồn Của Dân Tộc Hiểu Theo Ý Nghĩa Văn
Hoá":
"...
Như
vậy ta có thể nói đến một đặc trưng của văn hóa Đồng Nai Cửu Long hay linh
hồn của người dân miền Nam là ở chỗ không thích gò bó, chật hẹp, bảo thủ,
mà luôn khai phóng, mở rộng để đón nhận những yếu tố mới, hội nhập những gì mới
đón nhận vào hệ thống văn hóa mình, làm thành một văn hóa tổng hợp mới ở nơi
vùng đất mới của mình. Linh hồn là cái khả năng tựa trên một căn bản cũ, mở cửa
đón nhận nhiều cái mới, hội nhập những cái mới đón nhận vào trong một hệ thống
thích hợp với con người mình và môi trường sinh sống ..."
Truyền thống "Tôn Sư Trọng Đạo" hay "Nhớ Ơn Thầy" là một trong
những giá trị nhân bản mà nền Giáo Dục Quốc Gia ở thời VNCH đã mang
đến cho mọi người dân ở một nửa đất nước phía Nam của Tổ Quốc yêu quý từ
những ngày đầu của nền Cộng Hoà cho đến sau ngày mất Miền Nam được tiếp tục ở
hải ngoại vì chỉ có trong một xã hội tự do, dân chủ, tình người phát triển, vì quốc gia dân tộc mà
phục vụ thì truyền
thống Tôn Sư Trọng Đạo mới có môi trường để giữ gìn và phát huy.
Như ở đầu bài đã trình bày, Hội Lăng Ông Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt và Tập
San Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai Cửu Long ở hải ngoại (gọi tắt Lê Văn Duyệt
Foundation) chủ trương "uống nước nhớ nguồn", nêu cao tinh thần Nhân
Bản và truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo là những giá trị vốn được tôn
trọng trong xã hội Việt Nam dưới hai nền Cộng Hoà. Ngày Tôn Sư Trọng
Đạo do đó không thể thiếu mà cần phải giữ gìn và truyền đạt những giá trị tốt
đẹp đó trong sinh hoạt của những người chuyên tâm nghiên cứu về văn hoá,
giáo dục nhân bản. Hơn thế nữa là bổn phận của tất cả những người
Việt tị nạn ở hải ngoại để có thể gìn giữ được những giá trị
tinh thần cùng di sản đáng quý mà người dân trong nước muốn giữ
lấy cũng không dễ dàng khi từng mảng xã hội đổ vỡ
và ngành giáo dục mất nền mống vì chủ
trương trốc gốc "hồng hơn chuyên" của nhà cầm quyền
CSVN từ 60 năm ở miền Bắc và 40 năm ở miền Nam.
Khi nói về ý nghĩa của truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo, một nét văn
hoá nhân bản và là một giá trị luân lý của người Việt Nam, hình như có
điều gì thiêng liêng trong bốn chữ ấy Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm vẫn
luôn nhắc nhở tuổi trẻ:
"Dân Việt Nam có tính hiếu học và rất biết ơn người có công dạy dỗ mình.
Dù chỉ học một chữ hay nửa chữ cũng mang ơn người dạy. "Nhứt tự vi sư, bán
tự vi sư" người xưa thường nói. Mang
ơn thầy là bổn phận của người học trò bởi "không thầy đố mầy làm
nên". Nhưng bổn phận này không phải chỉ là sản phẩm của lý trí thuần túy
mà còn xuất phát từ một tấm lòng, một tình cảm thật sâu xa bền bỉ: sự thương
mến kính trọng thầy. Bởi người làm thầy phải là người biết thương mến, lo lắng
cho học trò mình, biết cách dạy dỗ, hướng dẫn cho học trò mình phát triển, tiến
bộ, trở nên người tốt ở trên đời. Thầy có sứ mạng cao cả của thầy, phải ý
thức được sứ mạng cao cả đó, để làm hết phận sự của thầy, làm cho thế hệ trẻ
nên người. Có vậy học trò và người đời mới thương mến kính trọng thầy. Tinh
thần tôn sư nói lên lòng
tôn kính người thầy. Tinh thần đó luôn luôn có trong xã hội Việt Nam. Nó bao
gồm sự kính trọng, lòng biết ơn và lòng thương mến của người học trò đối với
thầy. Tinh thần đó bây giờ vẫn tồn tại ở nhiều người, nhưng không sâu đậm bằng
ở các người xưa. Càng đi ngược về xưa chừng nào thì tinh thần đó càng sâu xa
đậm đà chừng nấy. Trọng đạo là
đánh giá thật cao đạo lý của thánh hiền xem như mẫu mực để người đời noi
theo..."
Ngậm ngùi
tiếc nuối cho quê hương bỏ lại khi trốn chạy Cộng sản, Giáo sư Nguyễn Thanh
Liêm đang nhớ về Sài Gòn, một sự nhớ nhung khó tả! Đã 40 năm xa rời "Hòn
Ngọc Viễn Đông" cũ có trường Petrus Trương Vĩnh Ký, nơi ông từng đi học và
làm việc cho tuổi trẻ cùng cống hiến kiến thức cho đời với một nỗi đam mê. Nỗi đam
mê đã giúp Giáo sư phụng sự quốc gia, dân tộc với trọn tấm lòng của một con dân
đất Việt tha thiết với quê hương trong cơn lâm nguy. Nay ông gởi tâm tình của
mình trong tác phẩm để khẳng định sẽ không bao giờ trở về thăm lại Sài Gòn khi
còn Cộng sản, điều ấy khiến nỗi trăn trở
của ông
vẫn đuổi theo ông ở tuổi xế chiều!
Trên lập
trường quốc gia tích cực như thế, Sài Gòn sẽ mãi là thủ đô của VNCH trong trái
tim ông khi viết về quan điểm của mình trong bài "Sài Gòn luôn là Thủ Đô của nước Việt không Cộng sản, và của người Việt
tự do tiến bộ trên thế giới."
"... Trong khi người cộng sản
vẫn còn giữ nguyên hình trạng cũ, vẫn còn ôm chặt căn cước cộng sản của họ thì
người Việt hải ngoại đừng vội đơn phương quên chuyện cũ, đừng tự một mình làm
công việc hòa hợp hòa giải với bên kia. Họ còn ôm chặt quá khứ là họ còn độc
tài, độc đảng, còn kỳ thị, phân biệt, còn bao che, thiên lệch, thiếu công bằng
và chân thật trong tinh thần hòa hợp.
Người Việt hải ngoại đừng vội buông bỏ căn cước quốc gia của mình, đừng
vội quên đi cờ vàng ba sọc đỏ, đừng quên hai tiếng Sài Gòn. Hãy hảnh diện với
văn hóa tự do của Miền Nam mà Sài Gòn là biểu tượng. Chỉ có nền văn hóa đó mới
tiếp cận được với văn hóa khoa học tân tiến của thế giới. Người cộng sản Việt
Nam muốn thật sự hiện đại hóa nước nhà thì phải học văn hóa Sài Gòn chớ không
phải ngược lại..."
Trong phần
trình bày về Tôn giáo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm một mặt đề cao tính giáo dục
của đức Khổng Tử, vị "Thầy của muôn đời" mà các nhà Nho luôn thuộc
nằm lòng lời dạy trong Thứ Thư, Ngũ Kinh, Luận Ngữ... của Ngài cùng những giá
trị vể sở học luân lý và nhân văn. Dù có biết bao Nho sĩ khắp Đông Á và Đông
Nam Á thân với truyền thống Trung Hoa đã hết lời ca ngợi vị Thầy cao quý này là
"Vạn Thế Sư Biểu" (khi nói đến truyền thống Trung Hoa không có ý nói
đến "Sino Heritage 信和保育"
với bốn
ý niệm Tín Hoà Bảo Dục ngày nay, v.v.). Như mọi người đã biết, Khổng Tử không phải của
riêng Trung Hoa, mà Trung Hoa là nước có sự phát sinh ra nguồn đạo đó, nơi phải có bổn phận làm cho nền đạo được toả sáng bội phần hơn. Lợi dụng tư tưởng và kinh điển
của Khổng Tử để phục vụ cho chủ trương tôn thờ lãnh tụ và kế hoạch gây tác động
dân tộc cực đoan trong âm mưu của đường lối bành trướng bá quyền của nhà nước
Cộng Sản Trung Hoa. Đường lối ấy đang mở một lối thoát xuống các quốc gia
phương Nam, ven biển và nội vi đường Lưỡi Bò trên Biển Đông bằng cách "đem
xương máu xây tân Vạn Lý Trường Thành" để "thực
hiện Giấc Mộng Trung Hoa" hiện nay của nhà cầm quyền Bắc Kinh đang
được truyền bá thực hiện tại một số nước trên thế giới do kinh phí của Cộng Sản
Trung Hoa đài thọ! Người dân bị áp bức của đại lục Trung Cộng vẫn chưa quên bài
hát thúc quân sắt máu khi Mao ra lệnh "vạn lý trường chinh" cũng là
"Trung Hoa Cộng Sản Đảng Ca" trước khi trở thành quốc ca năm 1949:
"Vùng lên - Nhân dân không làm nô lệ cho ai - Một lòng tranh đấu lấy máu - xây nên Thành Vạn Lý vững muôn năm...", lần này Tập nối gót Mao
muốn xây tân Vạn Lý Trường Thành theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà Tập đang cho ráo riết rêu rao... Cộng Sản Việt Nam cũng mới đây lập lại lề lối
tuyên truyền ấy bằng cách ca ngợi công trình của "Viện Khổng Tử" mới
lập tại Đại Học Hà Nội tháng 12/2014 mặc dù bị người dân chỉ trích, nhưng là
Cộng Sản thì không cần biết ý kiến của dân! Trong bài viết sơ cứu có nhan đề "Khổng Tử: Bậc Thầy Của Muôn Đời",
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đặt vấn đề chính trị và triết lý, tôn giáo khó dung
hoà, nhất là chính trị của những bộ óc chỉ biết độc tài chuyên chế:
"...
Lý tưởng của Khổng Tử, hoài bảo và ý hướng của
Ngài, thật là tốt đẹp. Nhưng Ngài đã thất
bại một cách rất đáng thương bởi thực
tế chính trị ở ngoài đời, nhất là ở thời ly loạn kỷ cương đổ nát, văn hóa
suy đồi, không thể nào chấp nhận để cho đạo đức chen vào. Làm chính trị là phải nắm cho
được và phải giữ cho được chính quyền ở trong tay bằng bất cứ giá nào, bằng bất cứ phương tiện gì dù có phải hy
sinh xương máu của bao nhiêu người khác. Đó là cách làm chính trị để thống trị của những kẻ gọi là thành công trên chính trường. Loại chính trị thống trị đó dĩ nhiên khó mà
hội nhập tinh thần đạo đức vào
trong. Có ai dùng lòng nhân, dùng chữ nghĩa, chữ tín để đoạt được, cướp lấy, và giữ vững chính quyền thống trị
được đâu? Ngược lại chính trị thống trị thường phải bao gồm
nhiều ác tính từ sự độc ác, mưu mô, gian xảo, tham lam, tráo trở, đến thủ đoạn,
xuyên tạc, bóp méo, láo khoét , độc tài, chèn ép, dụ dỗ, ném đá dấu tay ..."
Trên lĩnh
vực chính trị, người ta không quên vào đầu thập niên 70, Hoa Kỳ và Trung Cộng
đều muốn xích lại gần nhau hơn theo ý định thầm kín của mỗi bên. Riêng Hoa Kỳ
muốn Trung Cộng thân thiện với mình để tách hai anh Cộng Sản khổng lồ và làm
yếu thế khối Cộng Sản thế giới. Đây là mục tiêu chiến lược Hoa Kỳ cần thúc đẩy
sự chấm dứt thù địch với Trung Cộng và kéo Trung Cộng về cùng phe với mình và
đối nghịch với Liên Sô (Liên Sô: tên gọi tắt do thế giới Cộng Sản phổ biến
của Liên Bang Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Sôviết/ Union of the Soviet Socialist
Republics). Hoa Kỳ tuy không công bố sự tiếp sức cho Trung Cộng phát triển
mạnh từ sau đó để đánh đổi sự không can thiệp của nước Cộng Sản này trong chiến
tranh Việt Nam. Theo đó Trung Cộng giúp tạo lối thoát cho Mỹ rút quân nhanh hơn
từ một lời hứa ngoại vi của bản Thông Cáo Chung Thượng Hải ngày 27-2-1972 hơn
là vấn đề "bình thường hoá" quan hệ Hoa Kỳ - Trung Cộng... Một trích
đoạn sau đây từ bài "Trật Tự Thế
Giới Thế Kỷ 21", Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm phân tích:
"... Tuy trên bình diện ngoại
giao Mỹ vẫn hô hào hợp tác, kêu gọi Trung Quốc cùng góp sức giữ gìn hoà bình và
phát triển thế giới, tỏ vẻ hoà hoãn nhân nhượng với Trung Quốc nhưng mặt khác
Mỹ đang vận dụng mọi phương cách (chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự) để
xây một bức tường thật vững mạnh để bao vây, chận đứng sự bành trướng, xâm lăng
thế giới của Trung Cộng. Người ta thấy rõ sự tranh chấp giữa một siêu cường đã
ở vị thế lãnh đạo từ trước với một siêu cường vừa mọc lên và đang muốn chiếm vị
thế lãnh đạo thay thế siêu cường cũ ..."
Nghị Quyết 36/TW là gì? Văn kiện
của Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam do Thường trực Ban bí thư Phan Diễn ký
ngày 26 tháng 3, 2004, thực tế chỉ là bài bản cố hữu theo luận điệu Cộng Sản
nhằm chống đỡ sự phản ứng của những người tị nạn không chấp nhận chế độ Cộng
Sản Việt Nam. Hơn thế nữa, chủ đích vẫn là chiêu dụ người Việt tha hương nhẹ dạ
đem tiền về nước làm ăn với khẩu hiệu "những khúc ruột ngàn dặm"
trong khi nhà nước CSVN bị cô lập hầu hết trên thế giới trong 19 năm cấm vận
bởi biện pháp kinh tế "US. Embargo on Vietnam", 1996. Sự việc mở cấm
vận vô điều kiện và đem tiền về đầu tư tại Việt Nam chỉ làm đầy túi tham vô tận
của đảng viên Cộng sản hơn là lợi ích
không đáng kể đối với người dân mà CSVN kể lể.
Tuy nhiên nghị quyết nói
trên không thành công ở hải ngoại. Sự cảnh giác và phản ứng mạnh của người Việt
trên mặt trận phản công chính trị chống Nghị Quyết 36. Thêm vào đó cán bộ CSVN
bất tài, tham nhũng và giỏi báo cáo láo, đó là "mô hình tác chiến
miệng" không đi sát với thực tế và thực tế đã không đem đến kết quả kể từ
năm đề ra 2004. Cán bộ đảng viên CSVN bất lực trước phong trào "Cờ
Vàng Ba Sọc Đỏ", tuy chui được tài liệu, sách báo tuyên truyền cùng với
sách học Việt ngữ ở những học khu bỏ ngõ vì không có đông người Việt tị nạn
sinh hoạt. Nhưng lại thành công chực chờ tại những cơ quan dịch vụ, cơ quan
kinh tế tài chánh, những nơi dễ hốt tiền của dân càng nhiều càng tốt, càng sớm
đi ra nước ngoài tiếp tục hưởng thụ với chân trong, chân ngoài. Nghị quyết 36
tạo ra một số thương nghiệp trong luồng ở hải ngoại nhưng số thu không thể cân
bằng được số chi, sự thất thoát vào túi tham cán bộ đảng viên công tác ở nước
ngoài giúp cho họ càng ngày càng giàu lên trong khi đất nước vẫn trong tình
trạng nghèo đói. Trước sự lũng đoạn của cán bộ đảng viên trong và ngoài nước
không thể nói ra được, Trung ương đảng vẫn phải phản ứng chiếu lệ và lần này đề
ra phương cách bổ sung cán bộ kiều vận quản lý "kiều bào ở nước
ngoài" và bổ túc Chỉ thị số 45 mới nhất ngày 9 tháng 10,
2014 đẩy mạnh công tác cho Nghị Quyết số 36/NQ/TW. Gs. Nguyễn Thanh Liêm
đã đặt câu hỏi và phân tích chính trị về sự phản bác của người Việt ở hải
ngoại đối với nghị quyết đó như sau:
"Nghĩ gì về Nghị Quyết 36 của Bộ Chính Trị
Cộng Sản Hà Nội?"
... Khi việc làm không đi
đôi với lời nói thì những khẩu hiệu tốt đẹp nêu ra chỉ là những chiêu bài tuyên
truyền khó gây được lòng tin ở người dân, nhất là những người dân vốn đã không
phục, không tin ở chính quyền Cộng Sản. Đó là lý do khiến công tác hòa gỉai/
hòa hợp và thay đổi nhãn hiệu người QG của CS đã thất bại. Từ lúc nhờ tay Trần
Trường tung nhãn hiệu CS và bảng hiệu Cờ Đỏ Sao Vàng ở Nam Cali đến nay người
ta thấy ý thức nêu cao tinh thần QG với bảng hiệu Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ chống CS
càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ hơn ở tập thể người Việt Quốc Gia tỵ nạn. Cùng
lúc đó nhiều đoàn thể, tổ chức chính trị tiến hành mạnh mẽ các công cuộc tranh
đấu đòi nhân quyền, đòi tự do dân chủ, gây nhiều ảnh hưởng bất lợi cho CS. Ngày
nay Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đã được công nhận ở một số tiểu bang và nhiều thành phố
trên nước Mỹ, nơi có người Việt cư ngụ. Các hội đoàn sinh viên và tổng hội sinh
viên Việt Nam ở các nơi trên nước Mỹ đã nêu cao nhãn hiệu QG. ...
Khi viết về danh nhân Việt Nam gồm những con người sinh sống, lớn lên và
làm rạng rỡ cho quê hương miền Đồng Nai Cửu Long, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm
luôn nhắc đến các vị tiền bối yêu nước và lỗi lạc của ngành quản trị quốc gia
như Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), của văn học nghệ thuật như nhà bác học
Trương Vĩnh Ký (1837-1898), của tấm gương yêu nước thương dân Tiến sĩ Phan
Thanh Giản (1796-1867), của nhà biên khảo lịch sử cũng là bác sĩ Trần Ngươn
Phiêu (1927-2011) viết về nhà cách mạng đấu tranh cho quốc gia dân tộc Phan Văn
Hùm bị CSVN bịa chuyện, vu oan và cuối cùng thủ tiêu mất xác, v.v..
"Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm",
Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.
Thủ tiêu đồng nghĩa với hành vi giết người tàn ác giấu mặt và giấu tay
của Cộng sản. Sự độc ác trong lừa dối đã trở thành chính sách của CSVN đến nỗi
cha mẹ trong gia đình bị chúng giết kèm theo những giọt "nước mắt cá
sấu" của thủ phạm khiến con cái trong nhà bị lừa quay ra xụp lạy chúng để
tạ ơn. Mục đích giết người là khủng bố tinh thần của mọi người để cho họ sợ và
trở thành nô lệ cho chúng.
Đặc biệt đối với Ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt, tiêu biểu của sự lấy quyền
lợi của dân làm nền tảng cho chính sách cai trị đối với đồng bào của mình. Khi
tư tưởng tân tiến của nhà triết học người Anh John Locke (1632-1704) xuất hiện
trên thế giới và người ta gọi ông là "Cha Đẻ của Chủ Nghĩa Tự Do/ Father
of Classical Liberalism" thì đứa bé Lê Văn Duyệt chưa chào đời ở Mỹ Tho.
Và Ngài Thượng Công Tổng Trấn Thành Gia Định chắc cũng chưa bao giờ có điều
kiện đọc những tài liệu quý giá của thế giới như thế sau này khi cai trị dân.
Tuy nhiên nhà chính trị quốc gia Lê Văn Duyệt của nhà nước Đại Nam ở thế kỷ 19
đã biết an dân trong "kinh bang tế thế". Trong tiểu sử Lê Văn Duyệt,
lớp trai thời loạn ít học, về sau nhờ có tài thao lược và thời cơ Ngài được
trọng dụng và trở thành một dũng tướng. Tuy quan niệm đương thời "trọng
văn khinh võ" nhưng đối với Trấn Thành Gia Đình dưới quyền cai trị của
Khâm Sai Tả Quân Lê Văn Duyệt đối với chính sách trị dân, Ngài được Quan Kinh
Lược Sứ, Tiến sĩ Phan Thanh Giản đương thời ngưỡng mộ! Chính sách cai trị của
Ngài Tả Quân theo một phương cách có phần trùng hợp với Chủ Nghĩa Tự Do của
John Locke. Chính sách cai trị công minh của Ngài không hề tạo tiền lệ cho sự
hà khắc phát triển đối với người dân "thấp cổ bé miệng" để chỉ dồn
quyền lợi phục vụ cho giai cấp thống trị, tạo hố cách biệt giữa dân và vua quan
tham ô ngày xưa hay lãnh tụ và cán bộ đảng viên Cộng sản tham ác ngày nay.
"Cộng Sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài
trùng độc, sinh sôi, nẩy nở, trên rác rưởi của cuộc đời." Dalai Lama
Nếu đất nước không có những loại cỏ dại, trùng độc và rác rưởi như thế
ấy thì người dân sống hạnh phúc biết mấy. Hãy đọc bài của Giáo sư Nguyễn Thanh
Liêm "Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu vớí
tác phẩm Phan Văn Hùm" có phần dẫn nhập như sau:
"... Những người
trí thức cách mạng này chắc chắn là thông minh hơn, học rộng và hiểu biết nhiều
hơn Hồ Chí Minh nhiều lắm. Rất tiếc là họ đã thua Hồ Chí Minh lý do là vì Hồ
Chí Minh là con người quỷ quyệt nhất trong số những kẻ quỷ quyệt từ trước tới
giờ ở trên đất nước Việt Nam mình."
Đối với văn
học nghệ thuật, từ ngày có sự xuất hiện con người Cộng Sản và tác phẩm Cộng Sản
mới có thứ thiệt và thứ giả trong văn học nghệ thuật. Đó là tệ nạn trong nước
dưới chế độ Cộng Sản, ai cũng biết những tác phẩm thuộc về văn học và khoa học
nhân văn của Việt Nam từ xưa, nay bị bôi sửa theo cách có lợi cho tuyên truyền
của chế độ CSVN.
Dưới đây là
một đoạn văn dẫn nhập bài viết của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm về tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh nói lên sự trong sáng của văn chương mang tính nhân bản tuy có khiếm
khuyết tự do về mặt chính trị ở thời Pháp thuộc nhưng không khắc nghiệt mất cả
nhân tính như thời Cộng sản sau này:
"Xã
Hội/ Văn Hoá Miền Nam Trong Tiểu Thuyết Hồ Biểu Chánh":
"... Tiểu thuyết của Hồ Biểu
Chánh là tiểu thuyết được hình thành và phát triển trong điều kiện con người và
môi trường văn hóa xã hội đó. Từ câu chuyện, cách thuật chuyện, cảnh vật làm
nền, đến các nhân vật, chân dung, tính tình, tư tưởng, tín ngưỡng, cách xử sự
trong nghịch cảnh, lời nói, hành động, của họ...tất cả đều biểu lộ tính cách
miền Nam đã nói ở trên."
Đối với
Xuân Vũ, một nhà văn được nhiều nhà văn nổi tiếng đương thời kính nể, không
những ở tài năng cầm bút trong văn học mà cả trong phân tích chính trị khi phán
đoán những tệ hại của chế độ Cộng sản Việt Nam qua mặt nạ "Kách
mệnh". Sự can đảm phải chịu đựng nỗi dầy vò của lương tri khi buộc lòng
phải phụng sự cho một chế độ bất nhân dưới chiêu bài "Chống Mỹ Cứu
Nước", và cuối cùng thoát ra được địa ngục Cộng sản để trở về với bản ngã
con người Việt Nam biết yêu quí tự do.
Hãy đọc
những đoạn văn sau đây để chia sẻ cảm xúc với tác giả bài viết và tác giả bài
tham khảo trong bài "Ý Thức Nhân
Bản Trong Văn Chương Xuân Vũ" của Tuyển Tập này.
"Con
người là một thực thể có tri thức, có tình cảm, có hoạt động, có nhu cầu, có
ước vọng, có giá trị của con người. Hãy cho con người có quyền tự do, có quyền
làm người. Đừng chà đạp lên nhân phẩm, đừng tước đoạt nhân quyền, hãy trả
lại cho con người giá trị thật sự của con người. Đó là thông điệp của Xuân
Vũ qua bộ hồi ký của ông. Và qua thông điệp này ông thật là một nhà văn lớn
không những cho người dân Nam Bộ mà cho cả người dân Việt, hay đúng ra không
phải cho riêng người Việt Nam mà cho con NGƯỜI nói chung viết bằng một chữ N
hoa ..." (Nguyễn Thanh Liêm)
"Dùng
sức dân để Phá Ngục Bastille để xây ngục Bastille khác to và kiên cố hơn để
nhốt dân. Đó là Cộng sản."... "Nhiều
nhà văn, nhà chính trị, nhà trí thức và người thường - không nhà gì cả - cho
rằng cộng sản là loại người không tim, không có nhân tính. Tôi đồng ý hoàn
toàn. Nhưng chúng giỏi che dấu và giỏi lừa bịp. Cho nên con quỉ khát máu mang
bộ mặt người vẫn sống chung được với loài người thậm chí còn được loài người
tin yêu mới lạ chứ." (Xuân Vũ, Tựa
Tự Vị Thế Kỷ).
Thay lời kết:
Có thể nói trọng tâm của "Nguyễn Thanh Liêm Tuyển Tập" có tính
hướng thiện trong đó yếu tố Nhân Bản trở thành nguyên tắc quan trọng và được
đặt vào vị trí hàng đầu của tập sách. Vị trí hàng đầu ở đây là ngành Giáo Dục
mà truyền thống "Tôn Sư Trọng Đạo" đang được giữ gìn và lưu truyền là
mẫu mực của lý trí là biểu tượng đáng quý của nền Giáo Dục Quốc Gia VNCH. Người
dân yêu lính VNCH cho rằng ở quân trường có thời gian "huấn nhục" để
cho đội ngũ chiến sĩ tương lai biết đâu là nhẫn nhục trong sự chịu đựng của nỗi
gian khổ; và quan trọng hơn đó là cách rèn luyện ý chí phụng thờ Tổ Quốc trong
sự nghiệp an dân trừ bạo của con dân VNCH. Song hành trên lý tưởng đó trong vai
trò hậu
phương, những chiến sĩ của truyền thống
"Tôn Sư Trọng Đạo" từ
những con dân đất Việt, những
người học trò và vị thầy biết đội trên đầu ba nguyên tắc Nhân Bản, Dân Tộc, và Khai
Phóng có xuất xứ từ cuộc "Hội Thảo
Giáo Dục Toàn Quốc" được tổ chức năm 1958 tại Sài Gòn.
Chính nhờ đường lối giáo dục tốt đẹp của nền Giáo Dục Quốc Gia như
thế, trai thanh gái tú của một thời mộng mơ ấy: - "Anh ơi, em mỏi chân quá! Anh cõng em được không nào? - "Em, được chứ!" Thế là chàng xắn
tay áo và không còn biết mệt nhọc! Đó là ở vào thời bình, trong thời chiến mới có những chàng
trai giã từ mái trường thân yêu và người yêu chưa một lời ước
hẹn để đi vào khói lửa, mới có những cấp chỉ huy tự hào về Trường Mẹ
đội pháo Đỏ mà tiến lên diệt giặc. Chưa hết, mới có những nhà quản trị hành
chánh, kế hoạch "kinh bang tế thế" của một nhà nước non trẻ bị Cộng
sản Bắc Việt có sự tiếp sức của Cộng sản Nga Tàu vây đánh nhưng những người yêu
nước và chuộng Tự Do này đã đánh trả tận lực nhờ họ đã được dạy dỗ từ tấm bé
qua tinh thần yêu nước từ những bài học Công Dân Giáo Dục của
chế độ dân chủ tự do của miền Nam và cuối cùng bị cưỡng ép thua
cuộc mới xẩy ra trận hồng thủy tháng 4/1975...
Từ chiều hướng như thế, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm còn được nhiều đồng
nghiệp, đồng môn, học trò cũ quan tâm đến tương lai đất nước qua những hoạt
động của ông. Riêng tại Quận Cam, đồng hương tị nạn còn chứng kiến sự hiện hữu
của Giáo sư trong các hội đoàn hải ngoại có tác dụng góp tay vào công việc
chung để chống Nghị Quyết 36 trong hơn 10 năm nay - để tham gia đấu tranh trong
Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai - trong Uỷ Ban Bảo Vệ Lãnh Hải Việt Nam -
trong Ủy Ban Hoàng Sa cùng với cựu Thủ Tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn với tài liệu
giá trị về Thềm Lục Địa Việt Nam (The
Republic of Vietnam's Continental Shelf,
April 2009) - trong Ủy Ban Vận Động Hợp Nhất Cộng Đồng ở miền Nam California -
trong Ban Tổ Chức Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu khi Lễ
Tưởng Niệm được luân phiên tổ chức tại Nam California - trong Hội Đồng Điều
Hành Phong Trào Đoàn Kết VNCH - và hội đoàn gắn bó lâu nhất của Giáo sư là Lăng
Ông Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation mà Giáo sư là Chủ Tịch sáng lập.
Cũng như nhiều kẻ sĩ tân thời của Miền Nam tự do với tấm lòng yêu nước nồng nàn, ngày nay
Giáo sư chỉ còn lấy ý chí cùng với chữ nghĩa làm vũ khí đấu tranh nhưng ông không hề tỏ vẻ có tham vọng
trong sự lãnh đạo chỉ huy tuy ông rất có tư cách là một 'keynoter'. Hoài bão
của ông từ lâu theo đó ông đã làm hết sức mình những mong có được sự
an cư lạc nghiệp trên một quê hương Việt Nam thanh bình. Muốn được như thế, chế độ CSVN
phải được dẹp bỏ, và lực lượng chủ lực dựa vào sức dân và quyền tự quyết dân tộc, càng sớm càng thuận lợi cho tiến
trình dân chủ hoá đất nước.
Điều đó chắc hẳn không ngoài chính sách quốc gia hay liên bang
của nước sở tại có tinh thần tôn quý tự do như Hoa
Kỳ. Đã đến lúc người dân Hoa Kỳ biết phải làm gì để yểm trợ cho
người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính trị/ ngoại giao hiện
nay để đôi bên cùng có lợi trong thế chiến lược mới thế kỷ 21
trước sự đe dọa của chế độ Bắc Kinh từ thầm kín đến công khai (từ hackers hay
"du đãng mạng" đến giàn khoan HD-981 và đoàn tàu 80 chiếc trong đó có
7 chiến hạm chạy theo làm nhiệm vụ bảo vệ HD-981 đồng thời ứng chiến cho chiến
dịch giành biển đảo và dọa nạt láng giềng mà Việt Nam là một "đối tượng
gai góc" trong vùng U-Shape mà Trung Cộng không muốn đàn em của mình
đi với Mỹ). Chính trị và ngoại giao Hoa Kỳ dù hai mặt nhưng cùng
một mục đích, tuy đa số người dân Việt trong nghèo đói và "nín
thở qua sông" dưới mắt bộ máy kìm kẹp nhưng vẫn có quyết tâm dẹp bỏ chế độ
CSVN. Trong khi đó ý chí cùng sự quyết tâm của
cử tri người Mỹ gốc Việt nhân mỗi sự kiện xẩy ra trong nước Việt Nam có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần người
dân đấu tranh trong nước và hy vọng đó là những thông điệp
cho các nhà hoạch định chính sách của dòng chính nên thận trọng
trong mối quan hệ với đối tác thuộc bất kỳ nhà nước Cộng sản mặc dù hiện nay
CSVN chịu rất nhiều tổn phí trong dịch vụ vận động hành lang hay lobby đối với
chính giới Hoa Kỳ, bài viết đang ở vào thời điểm tháng 9 và tháng 10/2015 vẫn
tiếp diễn đàm phán TPP, bên ngoài vẫn hai luồng dư luận thành bại dành cho
CSVN.
No comments:
Post a Comment