Friday, January 26, 2018

NGÀY HOÀNG SA NĂM THỨ 44: TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG TỬ SĨ VNCH BỎ MÌNH TRONG HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19/1/1974

NGÀY HOÀNG SA NĂM THỨ 44: TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG TỬ SĨ VNCH BỎ MÌNH TRONG HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19/1/1974


H-1. Tiền cảnh Lễ đài Anh Hùng Tử Sĩ Hoàng Sa 
trong Ngày Hoàng Sa 2018
 Hoàng Thuỵ Văn

Little Saigon - 21/1/2018 - Ngày Hoàng Sa lần 44 tưởng niệm 74 Anh Hùng Tử Sĩ trong hải chiến Hoàng Sa giữa Hải Quân VNCH tự vệ và Hải Quân Trung cộng xâm lăng được tổ chức trọng thể hôm nay tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở thủ phủ Little Saigon của người Việt không chấp nhận chế độ CSVN. Các tổ chức cựu quân nhân QLVNCH ở miền Nam California trong đó Hội Hải Quân Cửu Long là lực lượng nồng cốt trong BTC lễ tưởng niệm hằng năm.

Trận chiến do quân Trung cộng dưới thời Mao Zedong /mao trach dong/ gây hấn xẩy ra từ ngày 17-1-1974 nhưng sự va chạm hoả lực của đôi bên dữ dội nhất và kết thúc trong ngày 19-1-1974. Buổi lễ Tưởng Niệm năm nay vẫn được tổ chức trọng đại với 44 năm 74 chiến sĩ anh hùng đã hy sinh và quần đảo Hoàng Sa của VNCH đã lọt vào tay quân ngoại xâm Trung cộng với sự tiếp tay nối dáo cho giặc của bọn nội thù Cộng sản Bắc Việt. 

Do từ những nỗ lực của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà và những chiến sĩ can trường của QLVNCH trong nhiệm vụ an dân trừ bạo chống ngoại xâm mà người dân miền Bắc Việt Nam bị bưng bít từ lâu lần lượt đã nhìn thấy được sau 1975.




H-2, H-3, H-4, H-5:  Hàng quân danh dự trong buổi lễ.


Một trong những điều làm cho người dân trong lòng "xã hội chủ nghĩa" bừng tỉnh là tinh thần "tự chủ" của "Chính quyền Sàigòn" đối với người bạn đồng minh của họ và tinh thần "bất khuất" đối với kẻ thù Trung Cộng ở trận Hải Chiến Hoàng Sa. Tại hải ngoại những cựu quân nhân QLVNCH từ ngày vượt thoát được đến bến bờ tự do vừa kiếm sống vừa thành lập hội đoàn để gom sức mạnh có tiếng nói, cùng chia sẻ ý kiến và lãnh trách nhiệm trong đấu tranh chống csvn. Từ đó những vùng diaspora của người Việt ở hải ngoại ngày càng lớn mạnh và lá "Cờ Vàng ba sọc đỏ" biểu tượng sức sống của văn hoá tự do, của niềm tự hào và tinh thần quốc gia dân tộc của người Việt hải ngoại không chấp nhận chế độ cộng sản chính thức tung bay khắp nơi có người Việt tị nạn.



H-3. Hàng quân danh dự thuộc Vietnamese Women Marine

Theo một hoàn cảnh của con người tỵ nạn như thế, làm lễ tưởng niệm các Anh Hùng Tử Sĩ lớn dần theo thời gian và ngày nay hơn bao giờ hết trước hiện tình đất nước, người dân trong nước đã không sợ gông cùm, tra tấn và giết hại, can đảm đứng lên nói tiếng nói Tự Do, Nhân Quyền và tỏ thái độ đối với nhà cầm quyền CSVN trước quân cướp nước Trung Cộng. Đặc biệt hai năm trước đây đúng ngày 19-1, sự kiện một số người dân trong nước đứng lên biểu tình hô to khẩu hiệu và lập đi lập lại nhiều lần Hoàng Sa là của Việt Nam, nhiều biểu ngữ trương hình Anh hùng Ngụy Văn Thà của trận chiến Hoàng Sa và nêu danh tên nước Việt Nam Cộng Hoà trong một thời gian vội vã trước khi csvn ra tay bắt bớ và giải tán.



H-4

Tại hải ngoại một số thành phố cộng đồng người Việt đã mang theo di sản văn hoá mà nền giáo dục quốc gia trước 1975 đã bồi đắp thêm tính nhân bản nay đã lớn mạnh theo dòng thời gian để thích ứng với hiệu năng mà tuổi trẻ đã học được ở hải ngoại đang và sẽ tiếp nối vai trò điều hành. Không có NQ-36 hay sách lược nào bao vây cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại mà thành công đến nay, cũng như họ đã từng thất bại trong sách lược cải tạo tù chính trị ở trong nước.



H-5

Ngày nay người dân Việt phản kháng Trung cộng xâm lăng đồng thời chiêu niệm 74 Anh Hùng Tử Sĩ, những người con yêu của Tổ Quốc Việt Nam thuộc Chiến Đoàn Đặc Nhiệm đã bỏ mình trong trận chiến Hoàng Sa 1974 không chỉ của người Việt tị nạn cộng sản trên khắp thế giới mà của toàn dân Việt Nam ngày nay trong và ngoài nước. Điều này đã nhắc nhở cho tuổi trẻ Việt Nam biết rằng bằng tất cả bạo lực và thủ đoạn, Trung cộng đã cưỡng chiếm Hoàng Sa trong tay Việt Nam Cộng Hoà năm 1974 và Việt Cộng một cách bất hợp pháp đã dâng quần đảo và vùng lãnh hải này cho Trung Cộng mà thủ tướng csvn Phạm Văn Đồng đã ký công hàm giao cho Trung cộng ngày 14 tháng 9 năm 1958 (xin lặp lại là văn kiện không có giá trị pháp lý vì bởi quần đảo Hoàng Sa ở phía Nam vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Đà cũng như quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa (Phước Tuy) mà hiện nay có nhiều tài liệu tìm thấy được đã chứng minh các quần đảo ấy thuộc chủ quyền của Việt Nam).



H-6. Bảđồ thềm lục địa có Quần Đảo Hoàng Sa và Quần Đảo Trường Sa 
trên Biển Đông thuộc chủ quyèn Việt Nam (tác giả: Son Ha Them)


Nhiều tài liệu phía bạn nói về ngày 19-1-1974 cho biết theo nhu cầu chiến thuật, Hải Đoàn Đặc Nhiệm (HĐĐN) thuộc Vùng I Duyên Hải VNCH (Tư Lệnh là Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Phó HQ Đại Tá Nguyễn Hữu Xuân, Bộ Tư Lệnh tại Đà Nẵng) có nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) lúc bấy giờ do HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc chỉ huy mà soái hạm đặt tại Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5 mà hạm trưởng là HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh; Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16, hạm trưởng là HQ Trung Tá Lê Văn Thự, Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4, hạm trưởng là HQ Trung Tá Vũ Hữu San; Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10 mà hạm trưởng Thiếu Tá Ngụy Văn Thà đã hy sinh cùng với 60 chiến sĩ thuộc quyền; ngoài tàu chiến HĐĐN còn có các đơn vị dưới quyền gồm 1 đại đội Hải Kích của HQ/VNCH, 1 trung đội Địa Phương Quân của Tiểu Khu Quảng Đà trú đóng tại Hoàng Sa, và 1 toán Biệt Hải của Trung Úy Lê Văn Đơn (cũng đã hy sinh gần hết).

Lực lượng của HĐĐN không cân xứng (hơn nữa trong số chiến hạm có HQ-10 đang quay về ụ vì bất khiển dụng 50% thì được lệnh quay trở lại chiến đấu), phải đối đầu với quân Trung cộng xâm lược tung vào trận địa tổng cộng 11 tàu chiến và 2 tiểu đoàn “lính thủy đánh bộ”, không kể quân địa phương tỉnh.

Các nòng đại bác 76.2 ly và Bofors 40 ly đầu đen trên các chiến hạm của CĐĐN VNCH (Chiến Đoàn Đặc Nhiệm theo terms từ Lục Quân. Hải Đoàn Đặc Nhiệm theo báo cáo từ Hải Quân, tương tự Task Force của NATO) trong vài phút đầu của trận chiến đã đồng loạt bắn chìm hộ tống hạm Corvette 271 (bảo vệ cho hồng kỳ Kronstadt 274) của Trung cộng, kế đến đã loại khỏi vòng chiến 3 chíếc khác của địch mang số 274 (soái hạm của Bộ tư lệnh Mặt trận), 389 và 396.  Tin tức báo chí của Trung cộng sau này tiết lộ về tổn thất của họ gồm có Đô đốc Phương Quang Kinh, Tư lệnh phó Hạm đội Nam Hải Trung Cộng, kiêm Tư lệnh Mặt trận cùng với bộ Tham mưu hành quân bị loại khỏi vòng chiến. Ngoài ra sự tổn thất về tàu chiến, phía Trung cộng còn có 4 hạm trưởng là Đại tá Quan Đức chỉ huy hộ tống hạm Kronstadt 274 (cũng là soái hạm của HQ Trung cộng ở Mặt trận Hoàng Sa bị HQ/VNCH chế ngự ngay từ phút đầu);  Đại-tá Vương Kỳ Uy, hộ tống hạm Kronstadt 271; Đại tá Diệp Mạnh Hải, trục lôi hạm 396; Trung tá Triệu Quát, trục lôi hạm 389. Tóm lại, trong trận hải chiến ngắn ngủi Trung cộng xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị sức chống trả nhanh và mạnh [tiên hạ thủ vi cường] của sức sống trẻ và tinh thần dũng cảm nhưng không khát máu như cộng sản. Họ là lớp thanh niên qua sự giáo dục Nhân Bản và đường lối chính trị "Vì Dân Trừ Bạo" đã gây tổn thất cho địch gồm 1 Đô đốc, 4 Đại tá, 6 Trung tá, v.v. (tổng hợp từ nhiều nguồn AP, UPI, Reuter, S&S Press, 1974-1975)

Về phía Việt Nam Cộng Hòa, Hạm trưởng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10 là HQ Thiếu tá Ngụy văn Thà, Hạm phó là HQ Đại úy Nguyễn Thành Trí và  60 chiến sĩ, tổng số 62 đã anh dũng hy sinh; Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5 có 3 chiến sĩ hy sinh; Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 có 2 chiến sĩ hy sinh; Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 có 3 chiến sĩ hy sinh; và Toán người nhái Biệt Hải có 5 chiến sĩ hy sinh.  Tử sĩ theo bản tin công điện chuyển tiếp DAO, 197401201201H, tổng cộng 72 và sau đó 74 chiến sĩ VNCH hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa. Ngoài ra 42 người gồm chiến sĩ Địa Phương Quân trú phòng và nhân viên dân chính VNCH làm việc trên đảo bị quân Trung cộng bắt trong sứ mạng bảo vệ đất tổ. (tổng hợp từ các nguồn)



Linh vị các Anh Hùng Tử Sĩ trận chiến Hoàng Sa 19/1/1974

Sau đây là bản Tuyên Cáo của Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa:

TUYÊN CÁO
CỦA CHÁNH-PHỦ VIỆT-NAM CỘNG-HÒA VỀ
CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT-NAM CỘNG-HÒA
TRÊN NHỮNG ĐẢO Ở NGOÀI KHƠI BỜ BIỂN
VIỆT- NAM CỘNG-HÒA

Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết nhất của một chánh phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia. Chánh-Phủ Việt-Nam Cộng-Hòa cương quyết làm tròn nghĩa vụ này, bất luận những khó khăn trở ngại có thể gặp phải và bất chấp những sự phản đối không căn cứ dầu phát xuất từ đâu.

Trước việc Trung Cộng trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt-Nam Cộng-Hòa, Chánh-Phủ Việt-Nam Cộng-Hòa thấy cần phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng:

        Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt-Nam Cộng-Hòa. Chánh-Phủ và nhân dân Việt-Nam Cộng-Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy.

        Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ ấy của Việt-Nam Cộng-Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh-Phủ và nhân dân Việt-Nam Cộng Hòa còn tranh đấu để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình.

        Kẻ xâm chiếm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi tình trạng căng thẳng có thể do đó mà có.

        Trong dịp này, Chánh-Phủ Việt-Nam Cộng-Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt-Nam Cộng-Hòa trên những hải đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Trung-Phần và bờ biển Nam-Phần Việt-Nam, từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ vủa Việt-Nam Cộng-Hòa căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không chối cãi được.

        Chánh-Phủ Việt-Nam Cộng-Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.                 

        Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh-Phủ Việt-Nam Cộng-Hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt-Nam Cộng-Hòa trên những phần đất này.

                Làm tại Saigon, ngày 14 tháng 2 năm 1974





Vị Chủ Tọa buổi lễ, Đại tá Cổ Tấn Tinh Châu 
được nghênh đón theo Nghi lễ Quân cách


Nghi thức khai mạc, trong đó Nghi Lễ Truy Điệu được cử hành long trọng với vị Chủ Tọa nguyên Đại Tá TQLC Cổ Tấn Tinh Châu, cựu Tham Mưu Trưởng Biệt Khu Thủ Đô, nguyên Đặc Khu Trưởng kiêm Chỉ Huy Trưởng các Lực Lượng Đặc Khu Rừng Sát, VNCH, con đường huyết mạch của Thủ đô Sàigòn; lễ Rước Linh Vị các Anh Hùng Tử Sĩ trận hải chiến Hoàng Sa sau đó là lễ chào Quốc Kỳ và phút Mặc Niệm; lễ Đặt Vòng Hoa Tưởng Niệm Anh Hùng Tử Sĩ Hoàng Sa, Tế Lễ Cổ Truyền và lễ Dâng Hương.


Toán hầu kỳ Quốc Quân Kỳ đang tiến về vị trí hành lễ.

Phần phát biểu của quan khách có bài phát biểu của vị Chủ Toạ; phát biểu của ông Phạm Lăng, Hội Trưởng Hội Hải Quân Cửu Long, Trưởng Ban Tổ chức - Phát biểu của ông Bùi Phát, Phó Thị trưởng Garden Grove cũng là Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, và phát biểu của ông Charlie Nguyễn Mạnh Chí, Giám đốc Khu Vệ Sinh Westminster và Midway City. Hình ảnh buổi lễ cho thấy sự tham dự của quan khách và đồng hương, cũng như diễn tiến buổi lễ.



Vị Chủ Tọa buổi lễ, Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu đọc diễn văn, Youtube 1

Phần chương trình văn nghệ phụ diễn gồm nhiều nhạc phẩm đơn ca và hợp ca từ Ban Tù Ca Xuân Điềm với hai nhạc phẩm đấu tranh - Trung Tâm Điều Hợp Tây Nam Hoa Kỳ/Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại  với  nhạc phẩm  hưng ca "Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ", thơ Hoàng Phong Linh, nhạc Nguyễn Ánh 9 ...



Lễ Đặt Vòng Hoa Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong, Youtube 3

Photo link: Hình ảnh 



Video/Youtube links:

1- Tưởng Niệm Anh Hùng Hoàng Sa 2018 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ - Phát biểu của Trưởng Ban Tổ chức và phát biểu của vị Chủ tọa buổi lễ 21/1/2018


2- Ban Tù Ca Xuân Điềm với hai nhạc phẩm hợp ca đấu tranh: HOÀNG, TRƯỜNG SA MẶT TIỀN NHÀ VIỆT NAM - Thơ Song Thuận, nhạc Xuân Điềm - Nhạc phẩm thứ hai: TRƯỜNG SA, LƯƠNG TRI THẾ GIỚI của Nguyễn Văn Đông.
Ban Tù Ca Xuân Điềm


3- Lễ Đặt Vòng Hoa Tưởng Niệm Anh Hùng Tử Sĩ


Ngày Hoàng Sa 44 năm người Việt hải ngoại tưởng niệm 74 Anh Hùng Tử Sĩ bảo vệ đất nước, đồng thời xác quyết với đồng bào trong nước sẵn sàng yểm trợ cho công cuộc đấu tranh bất bạo động của họ, loại bỏ chế độ CSVN để cho dân tộc Việt Nam trong tương lai có được Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, người dân thật sự được hạnh phúc. Đây là điều mà người Việt Nam trong và ngoài nước yêu chuộng nền Tự Do, Dân Chủ cho Việt Nam không thể để cho một thiểu số người không có khả năng quản trị đất nước và nhất là không có ý thức gìn giữ di sản và truyền thống của dân tộc Việt Nam, lại định đoạt sinh mạng của rất nhiều người khác.


Kính chúc các quý vị, quý bạn sống an lạc và nghĩ một chút về quê hương Việt Nam còn đang chìm đắm trong khổ nạn cai trị của chế độ cộng sản Việt Nam lẫn Tàu.


Hoàng Thuỵ Văn
Email: van.hoangthuy@yahoo.com

















No comments:

Post a Comment