Tuesday, July 23, 2013

SỰ SỐNG KỀ CÁI CHẾT

Dẫn nhập

            Đầu năm 1966, Sư Đoàn 7 Bộ Binh và Khu Chiến Thuật Tiền Giang VNCH lập kế hoạch bình định vùng sôi đậu tại khu tam giác Giồng Trôm - Ba Tri - Bình Đại, người Mỹ lúc bấy giờ hay nói "on the threshold of Mekong Delta", người sĩ quan thuộc phòng G2 là thuyết trình viên của đơn vị cố gây chú ý khi ngừng que chỉ ngay trên vùng khoanh đỏ trên bản đồ trận liệt MR4-320 của ban tham mưu thu nhỏ shortbriefing tại Trung tâm Hành quân Không trợ ở căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho.
          Sau thời gian bất ổn do sự xáo trộn chính trị từ 1963, QĐ/VNCH đã dần dần lấy lại ưu thế chiến thuật tại Vùng IV, các đơn vị đồng minh Hoa Kỳ được yêu cầu giảm bớt hoạt động và ngưng hẳn. Lời lẽ ngoại giao cách nào cũng chỉ là sự từ chối không hoan nghênh để những người bạn đồng minh Mỹ tham gia hành quân tại đồng bằng sông Cửu Long là tránh cho họ bị sa lầy, để nhường chỗ cho các sư đoàn bộ binh và biệt động quân cùng lực lượng lãnh thổ VNCH đảm trách, vì cấp chỉ huy VNCH tin rằng sự điều phối lực lượng quân sự theo cách của họ vẫn có hiệu quả tốt ở Vùng IV Chiến Thuật. Người ta còn nhớ bài học để đời khi MAAG có báo chí phản chiến đi theo và mục kích lần đầu đụng trận tại Ấp Bắc đầu năm 1963, nơi cuối kinh Bà Bèo, phía bắc Mỹ Tho. Sự thiếu nghiên cứu sâu của các cấp chỉ huy đồng minh ở buổi đầu đều dễ lạc vào mê hồn trận không đáng hoan nghênh ở một thế trận mà Hoa Kỳ và VNCH phải đương đầu với cộng sản VN quỉ quyệt và phi nhân.
          Nơi khu tam giác này không bao lâu một vài căn cứ lõm hình thành và được che giấu thật kín đáo bởi những đặc công chuyển từ xa đến trong công tác xâm nhập thủy bộ. Trọng điểm của khu tam giác là mật khu Hốt Hoả ở Bình Đại, Kiến Hòa, nơi đóng bộ chỉ huy Miền lưu động của tướng Đồng Văn Cống, phó tư lệnh của cái gọi là Lực Lượng Vũ trang Giải phóng Miền Nam VN và "cô Ba" Nguyễn Thị Định, người phát động và chỉ huy cuộc nổi dậy "Đồng Khởi" vào năm 1960 ở quận Mỏ Cày, Kiến Hòa, cũng là người về sau thay thế tướng Đồng Văn Cống trong vai trò phó tư lệnh lực lượng vũ trang tại chiến trường B bên cạnh cục R. Bảo vệ cho bộ chỉ huy lúc đó của cô Ba Nguyễn Thị Định có một tiểu đoàn chủ lực Miền có bí hiệu số 2 đầu, thường là Tiểu Đoàn 262 mà bộ phận chủ lực là Đại Đội nữ binh Thu Hà có bí hiệu T20 được tăng cường từ các tổ phụ nữ đã rất quen thuộc trong công tác đấu tranh tại "quê hương đồng khởi" của họ. Những bí danh như Đ10 (Mười Đông), H2 (Hai Hoảnh), T201 (Thu Hà), dĩ nhiên không phải là tên thật của những trưởng lưới tình báo tại địa phương phải đấu trí với cơ sở hạ tầng của VNCH khi bị động qua đường dây cài răng lược trong công tác thành.
          Trung Đoàn 10 BB, đơn vị cơ hữu của SĐ7BB, đóng bộ chỉ huy tại thị xã Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa, được điều động thi hành kế hoạch hành quân ở cả hai giai đoạn: hành quân tìm diệt và bình định. Lực lượng tăng phái thuộc Trung Đoàn 11BB (Long Định, Mỹ Tho) và Trung Đoàn 12 BB (Gò Công) được lệnh rút về căn cứ nhà sau khi hành quân tìm diệt đã hoàn tất. Mật khu Hốt Hỏa cũng là một căn cứ lõm nối liền với căn cứ biển Thạnh Phong ở quận Thạnh Phú, cửa ngõ tiếp nhận đồ tiếp tế và vũ khí từ bên ngoài vào theo đường biển đã bị phá hủy do Lực lượng Đặc nhiệm thủy bộ VNCH và Task Force của Hoa Kỳ phối hợp hành quân. Cơ sở báo Chiến Thắng, tiếng nói chính thức của Mặt trận GPMNVN và lực lượng vũ trang của họ đã bị phá hủy, tuy nhiên bộ khung điều động của Miền đã kịp thời di chuyển khỏi khu vực hành quân. Tất cả đã được điều động từ bản doanh trung ương cục R ở Mỏ Vẹt trên đất Miên, đó là Ba Thu, có một vị thế rất đặc biệt, cái tên tưởng như hiền lành nhưng là mật khu có bốn lớp phòng thủ, nhiều lối ra vào đều có cạm bẫy, vào một lối, ra một lối khác đều có biệt động dẫn đi. Lực lượng bảo vệ không phải là người địa phương mà được điều động theo từ Quân khu 3 Bắc Việt. Tuy nhiên về truyền tin, không thể liên lạc thẳng với Hà Nội, đó là lý do cục R đã ra mật lệnh phải đánh cho bằng được núi Bà Đen để cướp quyền kiểm soát trạm trung chuyển viễn liên trên đỉnh núi cao 3 ngàn bộ ở đây, rất cần và để chuẩn bị cho kế hoạch tương lai của Hà Nội.

Bình Định Xây Dựng Nông Thôn
          Đầu năm 1967, Trung Đoàn 10 BB được lệnh trở lại khu vực hành quân và nay với nhiệm vụ "bình định" vùng "sôi đậu" Ba Mỹ (Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa), một phần lãnh thổ quận Ba Tri chạy dài hướng bắc nam như một dãy ốc đảo, ban ngày chính quyền Quốc Gia kiểm soát, ban đêm VC tập trung dân để tuyên truyền, thu thuế nuôi quân... Trước năm 1965 khi bộ chỉ huy lưu động Miền của cô Ba Nguyễn Thị Định chưa chém vè khỏi mật khu Hốt Hỏa, tình hình an ninh trong "khu giải phóng" có vẻ khả quan hơn chẳng qua là do tình hình an ninh giả tạo từ mật chỉ của cô Ba, lệnh không tấn công vào căn cứ trú đóng của VNCH ở ngoại vi xa khu giải phóng để đánh lạc hướng đối phương trong nghiên cứu trận liệt.
          Khu vực bình định xây dựng nông thôn lại nằm trong vùng không thể không tái cấu trúc của mật khu Hốt Hỏa và tiền đồn Thạnh Phong sau khi mảnh đạn và hỏa tiễn máy bay đã phá vỡ và lật tung các tấm ván "bổ kho" của những căn hầm chiến đấu tập thể. Chính vào lúc này các mạng lưới tình báo nhân dân tập trung vào các ốc đảo, coi như là một "trung tâm thương mại" vùng quê, nơi có một dân số còn ở lại quê nhà kha khá và chỉ tin vào chính mình. Khi những người nắm kế hoạch bình định ở Khu Chiến Thuật Tiền Giang nghĩ ra cách để tách rời và bảo vệ dân chúng ra khỏi các tổ chức của Việt Cộng, trong đó nhất định phải có một số chị em ở các tổ tình báo nhân dân.
          Chuyện gì tới đã tới! Tháng Bảy năm đó bộ chỉ huy Trung Đoàn 10 BB lên kế hoạch hoán chuyển một số đơn vị trở về dưỡng quân và lên vùng hành quân bình định ở Ba Mỹ. Trong số đơn vị trở về Trúc Giang, Tiểu Đoàn 1/10 của Thiếu Tá NVB, khoá 14/VBQGĐL của VNCH, có thêm 12 tân binh và 3 xây dựng nông thôn. Đó chỉ là mặc tạm quân phục và sắc phục để được lọt qua ải quân cảnh vào trại hợp lệ, tất cả đều là phụ nữ, những phụ nữ đáng thương bị o ép trong vùng giải phóng và chuẩn bị sẵn sàng kết nạp hộ lý cho các cán binh Bắc Việt xâm nhập. Nay đã là "người yêu của lính" và theo anh trở về với cộng đồng Dân Tộc. Nếu không có cơ may như đã đến, nỗi nhục nhằn nào chua xót cho bằng khi phải gọi kẻ thù là người ơn giải phóng.
Nhưng niềm vui vẫn chưa trọn, nỗi đau vẫn ngập hồn. Quê Mẹ vẫn còn đầy tang thương.


06.14.2012  01:10am

Hoàng Thuỵ Văn

No comments:

Post a Comment