Wednesday, October 5, 2022

ĐẠI HỘI KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG BỘ BINH THỦ ĐỨC (10/1951 - 10/2022) - ngày 2/10/2022

 ĐẠI HỘI KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG BỘ BINH THỦ ĐỨC (10/1951 - 10/2022)  - ngày 2/10/2022

 


 Hoàng Thụy Văn


Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Nam California tổ chức Đại Hội Kỷ Niệm 71 Năm Ngày Thành Lập Trường Bộ Binh Thủ Đức (ngày 9/10/1951 - ngày 2/10/2022). Thiệp mời của tân Ban Chấp Hành hội và Ban Tổ Chức Đại Hội đã được hầu hết các cựu quân nhân bạn từ các hội đoàn và tổ chức đấu tranh miền Nam California ủng hộ nhiệt thành.


LỊCH SỬ TRƯỜNG BỘ BINH THỦ ĐỨC

<https://sites.google.com/site/truongsiquantrubithuduc/truong-bo-binh-thu-dhuc>

 

Trường Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà còn có nhiều tên gọi khác nhau theo từng giai đoạn lịch sử của trường như sau:

 

Ngày 6 tháng 6 năm 1948, Quốc Trưởng  BẢO ĐẠI chỉ thị Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân , Thủ Tướng Chính phủ Trung ương của nước Việt Nam Thống nhất cả 3 Miền, xúc tiến việc thành lập QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM (QĐQGVN), khởi sự bằng việc tổ chức TRƯỜNG SĨ QUAN VIỆT NAM HIỆN DỊCH tại Huế (tiền thân của Trường Võ Quốc Gia  Đà Lạt )

 

Ngày 11 tháng 5 năm 1950  Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm, Chính phủ Trung ương của Việt Nam thống nhất cả 3 Miền, chính thức thành lập  Quân Đội Quốc Gia.  Quân số của Quân Đội Quốc Gia dự trù là 60 ngàn người bao gồm Chủ lực quân và Phụ Phương quân .

 

Ngày 27 tháng 7 1951 Sắc lệnh số 372/Cab/DN của Chính Phủ Việt Nam động viên Thanh niên nhập ngũ để huấn luyện thành sĩ quan trừ bị của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mới thành lập.

 

Ngày 1 tháng 10 năm 1951 thành lập hai trường Sĩ Quan Trừ Bị , một tại Nam Định ( Bắc Phần ) và một tại Thủ Đức ( Nam Phần ).

 

Ngày 9 tháng 10 năm 1951 cùng một lúc chính thức  khai giảng khoá 1 Sĩ quan trừ bị tại hai Trường Thủ Đức và Nam Định.

 

Tháng 6 năm 1952 sau khi hoàn tất huấn luyện khóa 1 trường Nam Định giải tán và sát nhập vào Trường Thủ Đức.

 

Trường Thủ Đức trở thành trường duy nhất có nhiệm vụ đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).

 

Trường Bộ Binh nằm trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú cách thủ đô Sàigòn 18 cây số về hướng Đông Bắc, Nếu từ phía Biên Hòa nhìn về, Trường Bộ Binh là một bức tranh tuyệt đẹp với dốc đồi thoải mái, những dãy nhà san sát mái ngói và nắng ban mai tô vàng bên những hàng cây um tùm xanh mát.

 

Sau 4 năm hoạt động trong trách vụ đào tạo Sĩ Quan Bộ Binh đến năm 1955 phạm vi hoạt động của trường được nới rộng, trường được giao phó thêm nhiệm vụ đào tạo chuyên viên các ngành vì thế trường cải danh thành Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức gồm các trường:

- Trường Bộ Binh
- Trường Thiết Giáp
- Trường Pháo Binh
- Trường Công Binh
- Trường Truyền Tin
- Trường Thông Vận Binh
- Trường Quân Chánh

Vào tháng 10 năm 1961, trước tình trạng khẩn cấp của đất nước, nhu cầu của chiến trường gia tăng, các trường huấn luyện chuyên môn được tách rời khỏi Liên Trường Võ Khoa ngoại trừ 2 trường Bộ Binh và Thiết Giáp để lấy chỗ huấn luyện cho các thanh niên được động viên tới thụ huấn trong một chương trình huấn luyện đại quy mô của thời bấy giờ.

Từ tháng 10 năm 1962, Liên Trường phụ trách huấn luyện những Sĩ Quan Lục Quân (Bộ Binh) về theo học lớp Đại Đội Trưởng Bộ Binh.

Kể từ ngày 1 tháng 8 năm 1963, Liên Trường lấy lại danh hiệu Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và chỉ đảm trách việc đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cho toàn thể Lục Quân Việt Nam .

Đến tháng 4 năm 1964, trường được giao phó thêm việc huấn luyện lớp Tiểu Đoàn Trưởng Bộ Binh.

Để phù hợp với nhiệm vụ hiện tại ngày 1 tháng 7 năm 1964, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức được đổi lại danh xưng Trường Bộ Binh cho đến năm 1975.

Các vị Chỉ Huy Trưởng  liên tiếp và thời gian phục vụ:

 

1.    Vị Chỉ huy trưởng đầu tiên là một Sĩ Quan người Pháp Thiếu Tá Bouillet, đảm nhiệm chức vụ từ ngày 09-10-1951 đến 31-10-1953.

2.    Đại Tá Phạm Văn Cảm, Chỉ huy trưởng trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức từ ngày 01-11-1953 đến ngày 30-9-1956.

3.    Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Chỉ huy trưởng Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức từ ngày 01-10-1956 đến ngày 26-5-1961.

4.    Đại Tá Nguyễn Văn Chuân, Chỉ huy trưởng Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức từ ngày 27-5-1961 đến ngày 27-7-1961.

5.    Thiếu Tướng  Hồ Văn Tố, Chỉ huy trưởng Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức từ ngày 28-7-1961 đến ngày 19-5-1962.

6.    Đại Tá Lam Sơn, Chỉ huy trưởng Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức từ ngày 19-5-1962 đến ngày 03-11-1963.

7.    Thiếu Tướng Trần Ngọc Tám, Chỉ huy trưởng Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức từ ngày 04-11-1963 đến ngày 07-4-1964.

8.    Chuẩn Tướng Bùi Hữu Nhơn, Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh từ ngày 07-4-1964 đến ngày 20-11-1964.

9.    Chuẩn Tướng Cao Hảo Hớn, Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh từ ngày 21-11-1964 đến ngày 20-2-1965.

10. Chuẩn Tướng Trần Văn Trung, Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh từ ngày 21-2-1965 đến ngày 02-12-1966.

11. Thiếu Tướng Bùi Hữu Nhơn, Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh từ ngày 02-12-1966 đến 14-4-1967.

12. Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ, Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh từ ngày 15-4-1967 đến ngày 20-8-1969.

13. Trung tướng Phạm Quốc Thuần Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh từ ngày 20-8-1969

14. Trung tướng Nguyễn Văn Minh

15. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi,  1975

16. Đại tá Trần Đức Minh, 1975

Thành quả của Trường Bộ Binh:


Giữa thập niên 60 cuộc chiến gia tăng mãnh liệt với sự xâm nhập quy mô của Quân Cộng sản Bắc Việt vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, để chặn đứng làn sóng đỏ chính quyền VNCH phải gấp rút gia tăng quân của Quân Đội VNCH. Trường Bộ Binh thủ Đức phối hợp với Quân Trường Quang Trung (Saigon) và Đồng Đế (Nha Trang) để huấn luyện hàng chục ngàn Sĩ quan trừ bị mỗi năm. Có những khoá SVSQ Thủ Đức phải học qua nhiều nơi khác nhau trong 2 hoặc 3 giai đoạn: Quân trường Quang Trung huấn luyến Căn bản chiến đấu của người lính bộ binh, Quân Trường Thủ Đức và Đồng Đế huấn luyện cho sinh viên căn bản Tiểu đội trưởng và Trung đội trưởng.

 

Từ ngày thành lập trường Bộ Binh được chia làm 2 giai đoạn huấn luyện. Giai đoạn từ 1951 đến cuối năm 1967 được xem là thời kỳ huấn luyện bình thường, trong khoảng thời gian này trường bị gián đoạn huấn luyện từ tháng 2 năm 1955 đến tháng 3 năm 1957 vì ảnh hưởng bởi hiệp định Genève năm 1954. Khoá 6 SVSQ/TB được tiếp tục huấn luyện vào ngày 25-3-1957. Mức độ hàng năm tuy có tăng lên nhưng không vượt quá con số 5,619 SVSQ tốt nghiệp, đó là con số cao nhất trong giai đoạn này được ghi nhận vào năm 1966.

Giai đoạn từ đầu năm 1968 (tức sau Tết Mậu Thân) đến sau vì nhu cầu cấp bách của chiến trường và sự trưởng thành của QLVNCH nên nhu cầu huấn luyện được gia tăng rất nhanh, năm 1968 số SVSQ tốt nghiệp là 9,479 sĩ quan, năm 1969 số SVSQ tốt nghiệp lên đến 10,862 sĩ quan. Con số 10,862 là con số cao nhất từ ngày thành lập trường đến nay.

Sau đây là kết quả tổng quát về số lượng các sĩ quan xuất thân từ trường Bộ Binh qua 74 các khóa đã được đào tạo

Tính từ ngày 9 tháng 10 năm 1951 đến tháng 9 tháng 10 năm 1973  qua 74 khoá : ( Theo Đặc San Bộ Binh Số Đặc Biệt khoá 8 \ 72 (khoá Bất Khuất) và Bản Phúc trình của James Nach "the RVNAF reserve officer schools at Thu Duc and Nam Dinh”) 80,115 Sĩ Quan Trừ Bị và gần 4,000 SVSQ/TB Đặc biệt. 

Khóa Tiểu Đoàn Trưởng và Bộ Binh Cao Cấp: 18 khóa trên 1,500 Sĩ Quan trúng tuyển.

Khóa Đại Đội Trưởng: 44 khóa trên 5,000 Sĩ Quan thụ huấn.

Ngoài những khóa trên trường Bộ Binh còn tổ chức các khóa:

- Khóa hoàn hảo Sĩ Quan Địa Phương Quân.

- Khóa Bổ Túc Quân Sự cho các Sỉ Quan Quân Y Trưng tập, và Sĩ quan Cảnh Sát Quốc gia.

- Khóa đào tạo Sĩ Quan Huấn Luyện Viên và huấn luyện quân sự hàng ngàn Sĩ Quan do các Bộ Tư Lệnh Không Quân, Hải Quân và Cảnh Sát Quốc Gia gửi đến thụ huấn.

Từ tháng 9 năm 1973 đến tháng 4 năm 1975 không có tài liệu chính xác về số Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức được đào tạo. Theo sự ước tính qua 14 khoá con số SVSQ Thủ Đức tốt nghiệp không dưới 15 ngàn người. Như vậy tổng cộng lại Trường Bộ Binh Thủ Đức đã đào tạo khoảng 100 ngàn Sĩ quan Trừ bị cho QLVNCH.

Các vị tướng xuất thân từ các trường Sĩ Quan Trừ Bị:

Rời Thủ Đức có người thành chiến tướng
Cũng có người thành chiến sĩ vô danh.
Đời binh nghiệp là đường sát nghiệp
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô.”

(Tăng Nhơn Phú Túy Hà)

Khóa 1 Nam-Định gồm có:

- Trung-tướng Nguyễn Đức Thắng (Bộ Trưởng Xây Dựng Nông Thôn)

- Trung-tướng Lê Nguyên Khang (Tư-lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến)

- Trung-tướng Nguyễn Bảo Trị (Tổng Cục-trưởng Quân-huấn)

- Thiếu-tướng Nguyễn Cao Kỳ, (Tư lệnh Không Quân, Chủ-tịch Ủy-ban Hành-pháp Trung-ương)

- Thiếu-tướng Nguyễn Ngọc Loan (Tư lệnh Cảnh Sát)

- Thiếu-tướng Nguyễn Duy Hinh (Tư lệnh Sư-đoàn 3 Bộ-binh)

- Chuẩn-tướng Vũ Đức Nhuận

- Chuẩn-tướng Phan Phụng Tiên

- Chuẩn-tướng Nguyễn Văn Điềm

Khóa 1 Thủ-Đức:

 - Trung-tướng Trần Văn Minh (Tư-lệnh Không-quân)

 - Trung-tướng Đồng Văn Khuyên (Tổng Cục trưởng Quân-vận)

 - Thiếu tướng Nguyễn khắc Bình (Tổng Giám-đốc Cảnh-Sát Quốc-gia)

 - Thiếu tướng Phạm Hữu Nhơn

 - Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính

Khóa 2 Thủ-Đức:

 - Chuẩn-tướng Bùi Quý Cảo (Tổng Giám-đốc Tài-chánh và Thanh-tra quân-phí)

Khóa 3 Thủ-Đức

 - Thiếu-tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư-lệnh Quân-đoàn IV,  tuẫn-tiết ngày miền Nam lọt vào tay Cộng-Sản Bắc Việt)

Khóa 4 Thủ-Đức

 - Trung-tướng Ngô Quang Trưởng (Tư-lệnh Quân-đoàn I)
- Thiếu-tướng Bùi Thế Lân (Tư-lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến)
- Thiếu-tướng Lê Quang Lưỡng (Tư-lệnh Nhảy Dù)
- Chuẩn-tướng Hồ Trung Hậu
- Chuẩn-tướng Trần Quốc Lịch

Khóa 5 Thủ-Đức

 - Chuẩn-tướng Lê Văn Hưng (Tư-lệnh phó Quân-đoàn IV, tuẫn-tiết ngày miền Nam bị cưỡng chiếm bởi Cộng Sản Bắc Việt)

Khóa 16 Thủ-Đức

 - Chuẩn-tướng Cảnh Sát Trang Sĩ Tấn (Chỉ-huy-trưởng BCH Cảnh Sát Đô-thành Sàigòn)


Những khoá đầu tiên SVSQ là những học sinh, sinh viên tuổi đôi mươi xếp bút nghiên theo việc đao binh, theo lịnh động viên vào Trường Sĩ quan Trừ bị. Năm 1964 và 1968 lịnh Động viên và Tổng động viên gọi nhập ngũ các nam công dân từ 18 đến 45 tuổi bao  gồm đủ các thành phần trong xã hội như: Sinh viên học sinh, các Giáo chức thuộc các trường Tiểu học, Trung Học và Đại học;  các Viên chức các Tổng bộ của Chính phủ từ Bộ trưởng, Giám đốc  cho đến Thơ ký, các người làm nghề tự do như ký giả, văn nghệ sĩ:  Võ Long Triều  (Bộ Thanh Niên) nhập ngũ khóa 24, Dương Kích Nhưỡng (Điện Lực) nhập ngũ khóa 22, Lưu Tường Quang (Ngoại Giao) nhập ngũ khóa năm 1968, Giáo Sư Trần Bích Lan tức thi sĩ Nguyên Sa nhập ngũ khóa 24  v.v..

Với sự nhập ngũ đông đảo của giới trí thức và cán bộ cao cấp trong chính quyền đã mang lại sự cảm thông và hoà đồng giữa người lính chiến đấu và người ở hậu phương. Trải qua 9 tháng huấn luyện gian khổ nơi quân trường người SVSQ đã thay đổi từ thể xác đến tâm hồn: Thương đời lính gian truân và yêu đất nước qua từng bàn chân mình bước đi trên  mảnh đất quê hương.

 

Photos - Hình ảnh Đại Hội Kỷ Niệm 71 Năm Thành Lập Trường Bộ Binh Thủ Đức - (Ảnh tập trung nơi đây)


Videos - Một số clip videos (dùng tạm) sơ lược Đại Hội Kỷ Niệm 71 Năm Thành Lập Trường Bộ Binh Thủ Đức -

Clip 1/5 - Nghi thức khai mạc: Chào cờ VNCH-HK - Phút mặc niệm - Lễ bái Bàn Thờ Quốc Tổ và các Anh Hùng Tử Sĩ - Giới thiệu khách tham dự - Lễ Bàn Giao cựu-tân Hội trưởng -

< https://www.youtube.com/watch?v=3ppeDm_Cagg >











Clip 2/5 - Đồng ca Lục Quân Việt Nam hành khúc - Phát biểu của Niên trưởng Lê Bá Khiếu, Đại diện giới cao niên của quân đội hiện diện -

< https://www.youtube.com/watch?v=lqSifBijTYk >







Clip 3/5 - Văn nghệ: Cộng Đồng Việt Nam San Diego với nhạc phẩm Nước Nam Của Người Việt Nam - KQ Tom Võ, Một Chuyến Bay Đêm - NV. Kimberly Hồ, Ứng Cử Viên Thị Trưởng Westminster phát biểu và đóng góp tài chánh cho quỹ Đại Hội hôm nay của Hội Trường Bộ Binh Thủ Đức - Thêm một mục đặc biệt nữa: Ông Bà chủ nhân nhà hàng tiệc cưới Hoàng Sa/Paracel Seafood Restaurant (HQ Hoàng Thông & Lý Thuyền trưởngvới nhạc phẩm Không Bao Giờ Ngăn Cách, st. của Trần Thiện Thanh. Còn ai bằng?! -

< https://www.youtube.com/watch?v=TL0Irft7TWI >






Dr. Kimberly Hồ, Hậu Duệ của Đại Tá Hồ Sỹ Khải, Khoá 3 Trường Võ Khoa Thủ Đức, CHT Trường Pháo Binh QLVNCH, Nha Trang.





Những nam thanh nữ tú (năm xưa...) cho dù xa xôi cách trở cũng không bỏ bạn, vẫn tìm đến nhau với những nụ cười thật đẹp, thật nhiệt tình của những chiến hữu có lòng với quê hương Việt Nam thân yêu!


"Không Bao Giờ Ngăn Cách" với HQ Hoàng Thông & Lý Thuyền trưởng...

Clip 4/5 - Văn nghệ: Nhạc phẩm Chiến Sĩ Vô Danh, Lực Lượng Biên Phòng và thân hữu trình bày với một hoạt cảnh tác chiến -

< https://www.youtube.com/watch?v=KuAIWe8T6OA >





Clip 5/5 - Văn nghệ: Tập Thể Chiến Sĩ/ Trung Tâm Tây Nam với nhạc phẩm Hàng Hàng Lớp Lớp, st. của Nguyễn Văn Đông -

< https://www.youtube.com/watch?v=40FDqpnAxBg >





[Ảnh gắn trên trang body có giới hạn, muốn xem ảnh đầy đủ xin theo link Photos]

Xin kính chúc quý vị, quý bạn chân cứng đá mềm ở "những ngày xa quê hương là những ngày mang đau thương..." trong trách nhiệm Vì Dân Trừ Bạo và lời thề vang vang năm xưa ở Vũ Đình Trường nay không hề dám quên. Mong các trẻ sẽ nối tiếp di sản của tiền nhân, bảo vệ được Chính nghĩa và Tiền đồ của Dân tộc.


Hoàng Thụy Văn

Email: <van.hoangthuy@yahoo.com>

Tập tin: https://hoangthuyv.blogspot.com/>

Liên lạc tập tin: <hvuong311@gmail.com>

 

No comments:

Post a Comment